Võ Miếu Long Hồ - Di Tích Vĩnh Long
DI TÍCH LONG HỒ MIẾU VÕ
Có dịp đi du lịch đến tỉnh Vĩnh Long, du khách hầu như ai cũng thích thú bởi cảnh quan sông nước hữu tình, những vườn trái cây ngọt lịm, các món ăn dân dã đậm đà. Bên cạnh đó, những di tích tín ngưỡng, tâm linh cũng là những nơi thu hút sự đam mê khám phá của nhiều người. Đó là những đình miếu cổ, do lưu dân thời khai hoang mở đất lập ra và được nhiều thế hệ kế tiếp bảo tồn lưu truyền cho đến ngày nay.
Video nầy, chúng tôi giới thiệu một di tích rất đáng tham quan, đó là di tích Miếu võ Long Hồ, người dân quen gọi là Đình Long Hồ. Miếu Võ Long Hồ xưa toạ lạc tại thôn Long Hồ, Tổng Bình Long, huyện Vĩnh Bình, Phủ Định Viễn, tỉnh Vĩnh Long. Sau đổi lại là ấp Long An, Xã Long Hồ, Quận Châu Thành, Tỉnh Vĩnh Long. Nay thuộc Khóm 6, Phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.
Từ trung tâm TP. Vĩnh Long, đi thuyền xuôi theo dòng sông Long Hồ, qua cầu Thiềng Đức, qua Cầu Chợ Cua một đoạn, chú ý bên phải bờ sông, du khách sẽ nhìn thấy Đình Long Hồ. Nếu đi đường bộ thì xuất phát từ chợ Vĩnh Long theo đường 30/4, vượt qua Cầu Lầu thẳng đến chợ Cua. Ngay chân cầu Chợ Cua có một con hẽm nhỏ, dài khoảng 500 mét dẫn đến Đình Long Hồ.
Chúng tôi mai mắn được tiếp cận tài liệu ghi chép của ông Bùi Văn Triều (nguyên là Đại hương cả, cố vấn Đình Long Hồ, gia tộc ông Bùi Văn Triều đã có 5 đời liên tục, nối tiếp nhau phụng sự cho việc tế tự ở ngôi đình này). Theo ông Bùi Văn Triều thì hiện giờ không ai biết rỏ nguồn gốc chính xác ngôi đình được xây dựng vào năm nào. Chỉ biết vào năm 1916, lúc ông còn nhỏ, mới bắt đầu đi học chữ quốc ngữ, ông đã thấy ngôi đình nầy có tự bao giờ rồi. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào Bản Sắc phong Bổn cảnh Thành hoàng, do vua Tự Đức năm thứ 5 ban cho vào năm 1853, hiện đang còn phụng thờ tại đình, thì cũng có thể tạm cho là ngôi đình được thành lập từ thời điểm năm đó trở về trước.
Đến năm 1903, ngôi đình bị hư mục nhiều, nên bà cố của ông Bùi Văn Triều, là bà Huỳnh Thị Chánh đã hiến cúng cho đình 7.000 mét vuông đất. Ban Hội hương lúc đó cũng kêu gọi dân chúng trong, ngoài làng, kẻ góp công, người góp của chung tay xây dựng lại ngôi đình. Công trình trùng tu lần này, ban Hội hương thuê ông Nguyễn Văn Trinh, là thợ mộc giỏi nhất thời đó đứng ra đảm trách kiến thiết, chỉ huy xây dựng. Sau một thời gian chuẩn bị cây gỗ, nền móng, và giao nguyên xong, vào năm Ất Tỵ 1905 chính thức dựng cột.
Trong khi đào đất xây nền, đắp móng thì có một chuyện lạ xãy ra làm mọi người kinh ngạc. Chuyện là có một ông hương chức nằm mơ thấy một ông lão xưng là ông Me, ứng mộng chỉ chỗ cho biết là phần mộ của ông đang bị đào bới và dạy rằng phải lấy hài cốt của ông, di táng đi nơi khác. Hôm sau ông hương chức nọ kể lại cho ban hội hương nghe. Mọi người lập tức thiết lễ cúng tế tạ lỗi, rồi tiếp tục đào bới nơi ông Me chỉ trong giấc mộng. Quả nhiên có một quan tài được chôn từ lâu đời. Không ai biết gốc tích của chủ nhân chiếc quan tài kia, nên Ban Hội hương và dân làng đứng ra cúng tế, làm lễ di quan cải táng ra phía sau nền đình và ghi bia là mộ Ông Me. Sau một thời gian dài, mộ ông Me bị hư hỏng nặng, năm 1971 Hội hương Đình Long Hồ xây lại ngôi mộ và vòng rào chung quanh. Hiện nay mộ ông Me vẫn còn nơi ấy, người dân xung quanh vẫn hương khói phụng thờ. Từ lâu đời rồi, khu vực tại đây có con rạch và một cây cầu mang tên Ông Me, nên sự việc phát hiện mộ Ông Me đã tạo thêm tinh thần huyền bí, linh thiêng cho ngôi đình cổ Long Hồ.
Khuôn viên ngôi đình hiện nay khoãng gần hai ngàn mét vuông. Mặt đình nhìn về hướng Đông Nam, gần vàm rạch Ông Me. Đình Long Hồ được xây dựng theo kiểu xếp đọi, gồm Võ ca, Võ qui và Chánh điện. Cột kèo bằng gỗ căm xe và thao lao. Vách tường, mái lợp ngói âm dương, nền gạch cao khoãng 5 tất. Chung quanh chánh điện có hành lan rộng khoãng 3 mét.
Bên phải có Đàn Tiên nông thờ Thần Nông, là vị thần nông nghiệp theo tín ngưỡng của cư dân vùng lúa nước. Bên cạnh Đàn Tiên Nông là Miếu Thổ thần. Bên trên có tấm biển sơn đen, nền đỏ khắc hai chữ Anh linh, bằng Hán tự. Bên trái ngôi đình có Miếu Ngũ Hành, Bên trên miếu có tấm biển sơn đen nền đỏ khắc hai chữ “Hách đầu” bằng Hán tự. Miếu Ngũ hành thờ các vị thần Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả , Thổ. Theo tính ngưỡng dân gian thì các vị thần nầy liên quan đến vàng bạc, cây gỗ, sông nước, củi lửa, đất đai.
Võ Ca, thiết kế theo kiểu nhà rọi: 1 gian, 2 chái có 2 nóc. Trên đỉnh nóc trang trí hoạ tiết dây lá bằng xi măng, mái lợp ngói âm dương, cột gỗ căm xe, vách xây tường, nền lót gạch tàu. Bên trong có sân khấu, dùng để hát bộ cúng Thần và phục vụ nhân dân trong các kỳ lễ hội.
Buồng hát được xây thên vào năm 1917, hai bên vách buồng sân khấu có tranh vẽ hổ, vách giữa vẽ lân mẫu giáo tử. Hai bên đông lang, tây lang có 4 giàn cao để người dân ngồi xem hát bộ. Ngày xưa 4 giàn nầy làm bằng gỗ, qua thời gian dài bị hư mục, nay được làm lại bằng xi măng.
Võ Qui được xây theo kiểu 3 gian, 2 chái, nối liền giữa Võ Ca và Chánh điện. Trên đỉnh được trang trí hoạ tiết sen le bằng gốm. Mái lợp ngói âm dương, vách tường, nền gạch tàu, cột tròn bằng gỗ căm xe.
Chánh điện có 3 khung cửa chính bằng gỗ, chia làm 6 cánh, theo kiểu thượng song, hạ bảng. Phía trên có 3 bức hoành phi bằng gỗ, chạm trổ tinh vi, sơn son thếp vàng.
Gian Chánh điện theo kiến trúc tứ trụ. Trên nóc trang trí hoạ tiết Lưỡng long chầu nhựt. Mái lợp ngói âm dương, cột kèo bằng gỗ căm xe và thao lao, vách tường, nền lót gạch tàu. Bên trong chánh điện có bày trí hoành phi, câu đối sơn son, thếp vàng, cẩn ốc xà cứ, chạm khắc tinh vi.
Nội thất chánh điện trang trí rất nhiều hoành phi, câu đối bằng gỗ, sơn son, thếp vàng chạm khắc tinh vi, tạo nên một không gian uy nghiêm trầm mặc.
Chánh điện có đặt 8 bàn thờ.
Từ Võ Qui nhìn vào gian chính giữa là bàn thờ Hội đồng. Có cặp hạc trụ lưng qui bằng gỗ đứng hầu hai bên. Tiếp theo là 2 hàng lỗ bộ cũng bằng gỗ . Mỗi giàn có 8 món binh khí gồm: kiếm, chuỳ, tiên phuông, trường đao, thủ bút, búa, long đầu trượng, đao, đều được sơn son thếp vàng.
Kế tiếp là khám thờ Thần đặt trên nghi thờ bằng gỗ, được chạm trổ tinh xão, sơn son thếp vàng rực rỡ, bao lam chạm lọng lưỡng long chầu nhựt. Hai bên chạm dây lá, đào lựu. Bên trong khám chạm nổi chữ THẦN bằng Hán tự. Trong khám có đặt một chiếc mão quan bằng vãi.
Gian bên trái từ ngoài nhìn vào là bàn thờ Hậu Hiền; kế đến là bàn thờ Tiền Hiền và cuối cùng là khám thờ Tả Ban.
Gian bên phải từ ngoài nhìn vào có bàn thờ Hậu Giác; kế đến là bàn thờ Tiên Giác, cuối cùng là khám thờ Hữu Ban
Phía sau Chánh điện là gian Hậu Tổ. cũng được bày trí nhiều Hoành Phi câu đối sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh vi.
Ở giữa gian Hậu tổ là khám thờ TIÊN SƯ. Khám thờ chư Đại hương chức. Khám thờ chư Tiểu hương chức.
Kế tiếp gian Hậu tổ có Nhà Bát giác rộng khoãng 12 mét vuông, Mái lợp ngói âm dương, cột kèo bằng gỗ căm xe, thao lao, nền lót gạch tàu. Nhà bát giác là nơi làm việc của Thư ký, kế toán và thủ bổn trong các kỳ lễ hội.
Ngoài ra, bên hông phải của đình, còn kiến tạo một gian nhà khoãng 100 mét vuông. Chia làm 2 phần sử dụng. Một phần dùng làm nơi đãi tiệc quan khách và nhân dân dự lễ. Một phần dùng làm nhà bếp phục vụ công việc hậu cần.
Ngày 20 tháng 12 năm 2000, Đình Long Hồ đã được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long công nhận là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp tỉnh.
Theo truyền thống, hàng năm đình Long Hồ tổ chức 3 lễ hội chính:
Lễ kỳ yên vào ngày 16, 17 và 18 tháng 3 âm lịch
Lễ Hạ điền vào ngày 10 và 11 tháng 5 âm lịch
Lễ Thượng điền vào ngày 16 và 17 tháng 10 âm lịch. Trong đó có lễ giỗ Tiền hương chức quá vãng.
Ngoài ra trong những ngày Tết nguyên đán, đình cũng đón tiếp nhân dân khắp nơi đến lễ mừng tuổi thần và cầu mai mắn, phát đạt trong năm mới.
Lễ Kỳ yên là lễ hội trọng thể nhất trong năm. Được cử hành theo nghi thức truyền thống với nhiều nghi lễ như Lễ Túc yết, Lễ Chánh tế, Lễ cúng Thần nông, Lễ Tống quái vân vân. Đặc biệt trước khi thực hiện các nghi lễ chính, Ban Hội hương đều cử hành lễ Thỉnh sắc Thần của đình, từ nơi bảo quản tại nhà vị Đại hương cả. Đoàn thỉnh sắc thần với lễ nhạc, nghi trượng long trọng cùng hương chức và nhân dân cung đón sắc thần về đình. Đồng thời còn cử hành Thỉnh sắc thần cụ Phan Thanh Giản từ văn Thánh Miếu Vĩnh Long về hiệp cúng.
Đình Long Hồ từ xưa đến nay ngoài sắc phong Thành hoàng bổn cảnh do vua Tự Đức phong tặng năm 1853, còn có 2 đạo sắc phong cho ngài Nguyễn Đức Kế do vua Gia Long phong tặng năm 1802 và Vua Minh Mạng phong tặng năm 1829, được nhiều đời hương chức có uy tín thay phiên nhau bảo tồn cho đến ngày nay, và đã trở thành một bảo vật vô giá của dân làng.
Nghi lễ Túc yết thực hiện vào trưa ngày 16, nghi lễ Chánh tế và Lễ cúng Thần Nông được thực hiện lúc hừng sáng ngày 17 âm lịch. Trong 2 nghi lễ nầy có nhạc lễ ngũ âm, có đội Lễ sinh mặc lễ phục tú tài thời xưa hiến lễ. Sau khi cung tiến 2 tuần rượu, vị hương lễ đọc văn tế ca ngợi công đức chư Thần và đệ đạt lời thỉnh cầu của dân làng lên đức linh thần mong được năm mới an khương mạnh khoẻ, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà… Cứ 3 năm đáo lệ một lần, trong Lễ Kỳ yên sẽ có rước đoàn hát bội về hát cúng Thần và phục vụ nhân dân. Nếu năm nào có hát bội thì còn có thêm Lễ xây chầu đại bội, Lễ Tôn vương.
Lễ vật dâng cúng ngày xưa có 1 con heo, sau khi mổ heo xong để nguyên con còn sống đưa lên chánh điện tế thần trong lễ Túc yết. Lễ Chánh tế thì cúng đầu heo, xôi, bánh , trái cây cùng những phẩm vật dân làng mang đến.
Trong lễ Kỳ yên, Hội hương đình đều có gởi thiệp mời nhân dân và đại diện các đình bạn về dự lễ, dâng hương linh Thần và giao lưu cùng nhân dân địa phương nhằm thắt chặt tình làng nghĩa xóm.
Nằm ở ngoại ô thành phố, giữa khu vườn cây xanh mát kề bên dòng sông hiền hoà êm ả, Đình Long Hồ mang dáng vẽ trầm mặc, uy nghiêm huyền bí. Tuy vậy, nếu đi du lịch Vĩnh Long vào những dịp lễ ở Đình Long Hồ, du khách sẽ có cơ hội hòa mình vào không khí nhộn nhịp, mang âm hưởng ngày xưa để được thưởng thức nghệ thuật hát bội, nhất là lễ xây chầu, đại bội mô tả sự vận hành vũ trụ. sự giao hoà giữa âm dương, nhật nguyệt sinh ra vạn vật. Dùng chung rựơu nghĩa tình và thưởng thức những sản vật đậm đà bình dị, chan hoà tinh thần đoàn kết và hiếu khách của địa phương. Đó cũng chính là một trong những điểm nhấn độc đáo, thu hút khách tham quan ngày càng đến thăm Đình Long Hồ nhiều hơn, mỗi khi có dịp về Vĩnh Long.
Xem video : Võ Miếu Long Hồ - Di Tích Vĩnh Long tại đây - Xin cảm ơn
Xem thêm