img

Đám giỗ miệt vườn

Phong tục đám giỗ miền tây có từ lâu đời ở người Việt Nam nói chung, người Miền Tây nói riêng . Tục cúng giỗ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, không ai được quên và không thể không làm. Khi đến ngày tháng ông bà qua đời, con cháu sẽ tiến hành là đám giỗ, còn có cách gọi khác là đám cúng cơm. Đây cũng là dịp con cháu sum họp lại để tưởng nhớ người thân đã mất. Ngày cúng giỗ được xem là ngày thể hiện tấm lòng hiếu kính, tưởng nhớ của người còn sống gửi đến người đã khuất. 

Người miệt vườn Nam Bộ có tập quán quần cư ven các bờ sông, kinh rạch để thuận tiện trong việc đi lại và lấy nước tưới tiêu cho ruộng vườn. Nhà này cách khá xa nhà kia, người trong dòng họ hiếm có khi được quây quần đông đủ. Đám giỗ ông bà được xem như một dịp để nhớ về nguồn cội, thắt chặt tình thâm đoàn kết, tương trợ nhau trong cuộc sống. Cho nên, đây cũng là dịp để con cháu tụ tập, sum vầy bên nhau, giúp gắn kết tình cảm gia đình, anh em, dòng họ, đồng nghiệp, xóm giềng. Vì thế, dù có điều kiện hay không, làm giỗ lớn hay nhỏ cũng được, nhưng tuyệt đối không ai quên ngày  giỗ tổ tiên.
 

 

 

Gần tới ngày giỗ, chủ nhà phải chuẩn bị trước từ việc dọn dẹp nhà cửa lau dọn bụi bặm trên bàn thờ, lau di ảnh, chưng hoa quả, chuẩn bị dầu đèn cho đến việc lựa nếp, rọc lá chuối, chẻ dây để gói bánh, chuẩn bị những cây củi thật to để đun nấu. Trước ngày giỗ chính tầm 1 đến 2 ngày thì bà con, dòng họ, hàng xóm đến giúp. Đàn bà, con gái thì gói những chiếc bánh tét để dâng lên ông bà. Ngày nay do tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, nhân lực nông thôn tập trung vào các khu công nghiệp nên ít nơi tổ chức gói bánh mà sẽ đặt mua bánh tét, bánh ít ở những cơ sở gói sẳn để về cúng ông bà, sau đó biếu cho bà con chòm xóm.

Đến ngày giổ  là dịp mà các bà các cô trổ tài khéo tay và dạy cho cháu gái biết nấu nướng sau này. Buổi chiều trước ngày giỗ chính có mâm cơm cúng gọi là tiên thường, trước cúng tổ tiên, nhưng mục đích chính là để bà con ở xa về trước một ngày dùng bửa. Ngày nay đa số gia đình đều bận rộn công việc mưu sinh theo tốc độ công nghiệp nên mâm cúng tiên thường có khi chế bỏ.

Trong ngày giỗ chính. Từ tờ mờ sáng, con cháu, hàng xóm tay cầm con vịt con gà, người thì hộp trà, bọc bánh, có khi là tôm càng, cá lóc, hoặc bia rượu mang đến để phụ với chủ nhà lo lễ cúng. Đồ cúng thường là kiếm bắt, tự trồng, tự nuôi, chứ ít khi mua, có như vậy mới thành tâm. Mọi người đến càng lúc càng đông, người thì làm vịt, gà, người nấu nước châm trà, người lo bánh mứt đãi khách. Người rãnh rang thì ngồi với nhau đàm đạo về chuyện đời, chuyện con cái,.. những anh em dòng họ lâu ngày gặp lại thì cười nói rộn ràng, hỏi thăm về cuộc sống, công việc làm ăn…Lễ giỗ cũng là dịp để con cháu tụ họp nhận mặt họ hàng, nhớ mặt bà con dòng họ vì ít khi có dịp tề tựu đông như vậy.

Có nơi nếu phần mộ người đã khuất được chôn cất trong đất vườn gần nhà thì con cháu còn đến thắp nhang thỉnh về nhà dự lễ cùng con cháu.

Đến tầm 9 – 11 giờ, khi nấu nướng chiên xào xong thì thức ăn sẽ được dọn tập trung lên một chỗ gọi là phối cổ để kiểm tra xem nhà bếp có chuẩn bị đủ các mâm cúng chưa.

Thức cúng trong lễ giỗ không gò bó theo một khuôn mẫu nhất định mà tuỳ theo hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Có gì cúng nấy, chủ yếu là những sản vật được nuôi trồng, đánh bắt hoặc mua bán ở địa phương.

Khi thức ăn đã được chuẩn bị đầy đủ, con cháu sẽ cùng nhau chuyển lên các vị trí cúng ở gian nhà trên. Ngoài mâm chính cúng người được giỗ trong ngày hôm ấy , còn có mâm cúng đất đai và mâm cúng chiến sĩ ngoài sân.

Theo phong tục miền tây, trên mâm cúng, ngoài thức ăn phải có nhang, đèn, trà, rượu, hoặc bia và nước sạch (rượu cúng phải là rượu trắng mà người miền tây gọi là rượu đế). Khi mâm cúng đã bày đầy đủ thì chủ nhà hoặc con trai lớn thắp nhang cúng nơi mâm đất đai trước, rồi đến mâm cúng chính để mời người đã khuất về ăn uống và sau cùng là thắp nhang mâm chiến sĩ ngoài sân. Sau đó lần lượt con cháu đến thắp nhang và vái lạy trước bàn thờ để tỏ lòng thương nhớ người đã khuất.

 Trong thời gian cúng, chủ nhà lần lượt châm đủ 3 tuần rượu trắng. Khi nhang cháy đến nửa cây thì rút rượu trắng và châm trà rồi lui nhang, đốt vàng mã.Việc châm trà và đốt vàng mã là kết thúc phần cúng người quá cố.

Sau khi cúng xong, thức ăn được dọn ra bàn để anh em con cháu, thân tộc, bà con chòm xóm quây quần ăn uống. Họ cụng với nhau vài chung rượu, uống với nhau vài ly bia, kể lại công đức của người mất hoặc đàm đạo chuyện cuộc sống, công việc làm ăn. Có nơi người ta còn thuê nhạc sống, mời đờn ca tài tử để cùng giao lưu ca hát vui vẻ với nhau. Cũng có khi nhờ những dịp nầy, người ta chú ý xem chàng trai, cô gái nào siêng năng khéo léo để kén rể, chọn dâu cho nhà mình. Trong thực tế đã có không ít cuộc hôn nhân hình thành sau những cuộc đám giỗ như vậy. 

Nếu gia đình nào có đông thân tộc hoặc có mối quan hệ rộng rải, thì buổi tiệc có thể kéo dài từ trưa cho đến tối, họ tổ chức ca hát tân nhạc, cổ nhạc bên ly rượu, chén trà. Tiếng cười sản khoái, tiếng hát râm ran, thể hiện tính chất phóng khoáng nhiệt tình trong đời sống tinh thần của người dân nam bộ. Đến khi ra về khách còn được chủ nhà gửi cho bánh tét, bánh ít làm quà. Có thể nói ngoài lễ cưới ra, thì đám giỗ cũng không kém phần hoành tráng, vui nhộn trong phong tục tập quán ở miền tây.

Tóm lại ý nghĩa đám giỗ trong văn hóa của người Nam Bộ ngoài việc tri ân những tiền nhân đã khuất mà còn là cách để duy trì hài hoà các mối quan hệ gia đình, thắc chặc tình làng nghĩa xóm xóm. Bây giờ đất nước ngày càng phát triển, nhịp sống trở nên hối hả hơn, người ta phải chạy đua theo thời gian. Tình cảm họ hàng thân tộc và xóm giềng có thể vì thế mà ngày càng phai nhạt cho nên việc duy trì lễ giỗ tổ tiên là hết sức cần thiết. Những tập quán nầy đã hình thành nên truyền thống uống nước nhớ nguồn và tính cách nghĩa tình, hào sảng, không chấp nhặt tiểu tiết của người miền Tây bao đời nay.