Vãn cảnh Tiên Châu cổ tự
Nếu có dịp ghé thăm Vĩnh Long, du khách nên đến thăm chùa Tiên Châu, một ngôi cổ tự đã gần 300 năm tuổi, nằm ngay bên bờ sông Cổ Chiên. Theo nhiều tài liệu, chùa Tiên Châu còn có tên là chùa Di Đà hay Tô Châu được Hòa thượng Đức Hội lập vào năm 1899.
Vĩnh Long thời xưa là một trong những đại bản doanh của quân đội nhà Nguyễn ở phương Nam, nên còn lưu giữ khá nhiều di tích ghi lại dấu ấn lịch sử, văn hóa, như: Thành Long Hồ (Long Hồ Dinh), Văn Thánh Miếu, Công Thần Miếu, Thất Phủ Miếu, Đình Tân Giai… Trong đó, Tiên Châu Tự (hay còn gọi chùa Di Đà) là ngôi cổ tự của Vĩnh Long, một Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia, được nhiều du khách chọn vãn cảnh ngày xuân...
Tiên Châu cổ tự.
Muốn đến chùa Tiên Châu, du khách phải qua phà sang cù lao An Bình. Bến phà trước Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long luôn đông đúc và nhộn nhịp, bởi cù lao là địa bàn dân cư xã An Bình và Đông Phúm, hiện nay phát triển du lịch sung túc. Chùa Tiên Châu nằm trên bãi Tiên, bờ tả ngạn sông Cổ Chiên thuộc cù lao An Bình, ấp Bình Lương, xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Sách “Gia Định thành thông chí” của cụ Trịnh Hoài Đức nói về bãi Tiên: “Ở phía bắc trấn thành, chu vi 12 dặm, sắc cây xanh biếc, ánh nước long lanh như ngọc bích. Lại có tên là Bát Tân, ý nói bến nước thông cả tám hướng. Nơi này làm cồn cát bảo vệ cho sông Long Hồ, hai bên khép lại như cái vạt áo, quanh vòng ôm lấy hai thôn Bình Lương và An Thành. Bên bờ có những ngư dân phơi lưới, treo tơi, ẩn hiện nơi ngọn rừng cây…”. Những câu chuyện dân gian kể lại rằng thuở xưa nơi này rất hoang sơ, cây cối tốt tươi, nhưng dân cư thưa thớt. Vào những đêm trăng thanh, thi thoảng có tiên nữ ghé bãi cát nô đùa, múa hát... nên bãi sông có tên Tiên Sa, Tiên Châu hay Bích Trân. Ngoài ra, vì vùng đất này có nhiều luồng, rạch nhỏ, ghe thuyền có thể qua lại dễ dàng nên còn có tên là Bát Tân (có nghĩa là đi bốn phương tám hướng). Một ghi chép khác trong sách “Đại Nam nhất thống chí” như sau: “Chùa Di Đà ở trước bãi Bích Trân, thuộc địa phận huyện Vĩnh Bình, do Hòa thượng Hoàng Đức Hội dựng, nước chảy vòng quanh, am viện thanh u, tục gọi chùa Tiên Châu, lại gọi là chùa Tô Châu”.
Sau 15 phút qua sông Cổ Chiên, phà cặp bến Tiên Châu. Du khách đi bộ chừng 50m sẽ đến Tiên Châu cổ tự. Đến đây, du khách thường trước tiên chiêm ngưỡng cây bồ đề cổ thụ có từ khi lập chùa. Dưới bóng cây có tượng Phật Di Lặc tọa thiền. Tiên Châu cổ tự bao gồm ba gian liền kề nhau là chánh điện, hậu tổ và hậu liêu. Hệ thống, cấu trúc với 96 cột gỗ tròn bằng danh mộc, các kèo, xuyên, trính bằng căm xe, gõ đỏ được chạm trổ khéo léo bởi thợ địa phương và nghệ nhân từ kinh đô Huế vào. Chánh điện có không gian cổ kính với kiến trúc tinh xảo cùng với rất nhiều hiện vật, cổ vật như trường kỷ, bình cổ, hoành phi, liễn đối, tượng chư vị Bồ Tát, La Hán, bàn ghế, ấm chén sứ… Nội điện chùa Tiên Châu được trang trí đẹp đẽ. Giữa tứ trụ là một khánh thờ. Hiện chùa vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị văn hóa nghệ thuật cao như tượng Phật Di Lặc, bộ bao lam chạm Thập Bát La hán, cùng nhiều bức tranh, liễn đối được chạm khắc rất tinh tế có từ thế kỷ XIX như tứ linh, tứ quý…
Chùa Tiên Châu cũng được sửa chữa, trùng tu nhiều lần, vào năm Kỷ Hợi (1899) chùa được nâng cấp lên bốn gian, gồm tiền đường, chánh điện, trung đường và hậu tổ. Mỗi gian đều làm theo kiểu tứ trụ. Bộ cột chung quanh làm bằng gỗ quý, mái ngói âm dương, xung quanh đóng vách bổ kho (vách kín). Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, thực dân Pháp tái chiếm Vĩnh Long. Từ các tàu chiến trên sông Cổ Chiên, đại bác lên bờ, hướng vào chùa, nhưng lạ lùng thay chỉ trúng các cột kèo chút ít, còn các tượng Phật thì không hề bị ảnh hưởng. Đến năm Mậu Thân 1968, chùa lại bị chiến tranh tàn phá, hư hại nhiều. Các nhà hảo tâm đã vận động Phật tử và khách thập phương ủng hộ tiền bạc, công sức để sửa lại chùa. Hiện nay chùa có chiều dài 46m, rộng 20m. Trên nóc có 5 ngọn tháp, tháp ở giữa là lớn hơn cả, chính giữa tháp treo biển Tiên Châu Tự.
Tiên Châu Tự được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia ngày 12 tháng 12 năm 1994. Vào những dịp lễ, Tết cổ truyền, các ngày Rằm, rất nhiều khách hành hương, khách du lịch, người dân quanh vùng đến Tiên Châu cổ tự tham quan, bái vọng.
Theo baocantho.com.vn