Việt Nhân Blogs

Nghề chằm nón lá - Làng Nghề Long Hồ - Vĩnh Long

Chiếc nón lá xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỉ thứ 13, tức là vào đời nhà Trần. Từ đó đến nay, nón luôn gắn bó với người dân Việt Nam như là hình với bóng. Không phải là đồ vật phân biệt giới tính, tuổi tác và địa vị, nón luôn đi theo ta như người bạn đường che nắng che mưa cho mọi hành trình. Phải chăng như vậy mà nón đã từ lâu trở thành biểu tượng cho đất nước con người Việt Nam? Ngoài chức năng ứng phó với môi trường tự nhiên, chiếc nón lá còn hướng tới mục đích làm đẹp, làm duyên cho người phụ nữ và phù hợp với cảm quan thẩm mỹ của người Việt: đẹp một cách tế nhị, kín đáo. Dưới vành nón, đôi mắt, nụ cười, má lúm đồng tiền, những sợi tóc mai, cái gáy trắng ngần của cô gái dường như được tôn thêm nét duyên dáng, kín đáo mà không kém phần quyến rũ. 

Từ lâu chiếc nón lá đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong trang phục của người phụ nữ miền Nam nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung. Ngày nay do sự phát triển của xã hội, nên ít người đội nón lá khi ra đường. Nhưng cùng với chiếc áo bà ba, chiếc “nón lá” cũng đã theo chân người phụ nữ miệt vườn, cùng với chiếc xuồng ba lá bồng bềnh theo con nước lớn nước ròng, dầm mưa dãi nắng sớm chiều. Theo chân người lao động trong cuộc mưu sinh, đi khắp phố phường từ thành thị đến thôn quê. 

Tuy chiếc nón lá là hình ảnh quen thuộc và gần gũi với mọi người, nhưng ít ai biết để có chiếc nón lá đội đầu che mưa che nắng và để làm duyên, ngày xưa tổ tiên chúng ta đã đổ bao tâm sức để nghĩ ra và làm nên chiếc nón duyên dáng này. Nón lá có nhiều loại khác nhau. Cả nước có rất nhiều địa phương làm nón lá như : miền bắc có nón quay thao, miền trung có nón bài thơ , Bình Định có nón Gò Găng. Miền tây nam bộ cũng có nhiều nơi làm nón lá mà người dân quen gọi là xóm chằm nón lá. Tại ấp Long Thuận, Xã Long Phước, Huyện Long Hồ , tỉnh Vĩnh Long là xóm chằm nón lá rất lâu đời, trải qua nhiều thế hệ. Giờ đây, các tour du lịch cũng thường đưa du khách đến tham quan làng nghề nầy. Chúng tôi mời quý vị và các bạn cùng đến xóm nón lá, để xem họ làm ra chiêc nón lá như thế nào nhé. Trên quốc lộ 53 từ hướng Vĩnh Long về Trà Vinh, qua cầu Ông Me Lớn khoảng 200 mét, bên tay trái là ngỏ rẻ vào ấp Long Thuận. 

Theo ngỏ nầy đi ra bờ sông Long Hồ, rẻ phải thêm một đoạn khoãng 1 km, là đến xóm chằm nón lá. Xưa kia đoạn đường nầy là lối đi nhỏ cặp bờ sông, mùa mưa lầy lội rất khó đi, cặp theo lối đi là những ngôi nhà cổ xưa, đồ sộ, ẩn trong các vườn cây rậm rạp, trầm mặc với thời gian. Lúc đó nghề chằm nón nơi đây cũng rất thịnh phát, nhà nhà cằm nón, người người chằm nón. Nón lá ấp Long Thuận được bày bán ở khắp các chợ trong các tỉnh lân cận. Những năm gần đây Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới được triển khai, bộ mặt nông thôn đã đổi thay nhanh chóng. Người dân trong xã tích cực tham gia xây dựng, nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường. Người hiến đất, người đóng góp kinh phí, người đóng góp ngày công lao động để xây dựng giao thông nông thôn, lối đi nầy được mở rộng và trãi nhựa, dân cư đông đúc, nhà cửa đổi mới khang trang, thì cũng là lúc thanh niên nam nữ bỏ nghề chằm nón vào làm ở các khu công nghiệp. Hiện nay chỉ còn một số ít hộ dân là những người đứng tuổi cố gắng bám trụ gìn giữ nghề truyền thống tổ tiên để lại. 

Để làm ra được một chiếc nón lá vừa đẹp vừa bền, là cả một nghệ thuật và công phu của những nghệ nhân, đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng công đoạn của quy trình sản xuất. Nón được làm bằng nhiều vật liệu khác nhau như, lá cọ, lá dừa, lá buông,… nhưng ở ấp Long Thuận thì nguyên liệu chính để làm ra chiếc nón chính là lá Mật Cật, được lấy từ trên rừng về. Lá sử dụng được là lá không quá non cũng không quá già, có độ mềm, với chiều dài khoảng 40 đến 50 cm. Đầu tiên lá Mật Cật được đem luộc trong nước sôi cho mền và dẽo, sau đó đem phơi nắng cho thật khô ráo, rồi dùng bàn ủi nóng ủi cho thẳng thốn phẳng phiu trước khi chằm vào khung. Chiếc khung được đóng bằng gổ có 6 sườn theo hình chóp, trên khung có rảnh để sắp 16 vành lớn nhỏ bằng tre được vuốt tròn trĩnh để làm vành nón. Vành nhỏ nhất được gắn gần đỉnh chóp. Vành to nhất ở đáy khung. 

Người ta phủ lá Mật Cật lên khung cho thật khéo, nhất là khâu sử dụng lá chêm, tránh việc chồng nhau nhiều lớp để sao cho chiếc nón thanh và mỏng. Dùng kim và chỉ để kết lá vào vành nón phía dưới, công đoạn này gọi là chằm nón. Khi chằm phải chú ý giữ sao cho lá thẳng tắp từ đỉnh chóp xuống dưới , và kẽ lá ôm khích lấy nhau. Khi nón chằm hoàn tất người ta mới phủ dầu lên mặt lá nhiều lần rồi đem phơi nắng để nón có được độ bóng láng và giữ được bền. Từ lâu, chúng ta đã biết đến chiếc nón lá như một đồ vật rất quen thuộc, bởi nó đã gắn bó và trở thành một phần trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Chiếc nón lá đã theo chân người nông dân ra đồng, theo người phụ nữ đi sớm về trưa, được dùng để quạt cho con cháu vào giấc ngủ, được các bà mẹ vỗ về đội vào đầu và nắm tay dìu con đến trường. 

Chiếc nón lá còn có mặt trong sách vở, thi ca, qua câu hò tiếng hát để ca ngợi tình yêu trai gái. Nón lá gần gủi với mọi người, tạo nhiều nét bình dị, duyên dáng và thuận tiện trong đời sống nông dân “một nắng hai sương” trên cánh đồng, trên luỹ tre làng. Một điều đặc biệt hơn nửa là Chiếc nón lá cùng với chiếc áo dài , đã trở thành một biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam, và là hình ảnh truyền thống của văn hóa dân tộc Việt Nam. Nếu có gịp đến Vĩnh Long, mời quý vị và các bạn đến tham quan xóm nón lá ấp Long Thuận, để trãi nghiệm, để cảm nhận sự yêu nghề, những đôi tay khéo léo,điêu luyện, và tình cảm thiết tha của các nghệ nhân, đã gởi gắm qua đường kim mũi chỉ, trên những chiếc nón lá duyên dáng được sản xuất hoàn toàn bằng thủ công.

Vietnhan.org