Thành phố Vĩnh Long Xưa và Nay
Là người quê ở Vĩnh Long, chắc chắn không ai quên được những đặc điểm quê hương. Trong đó có những đường phố, những cây cầu gắn liền với cư dân địa phương từ nhiều đời qua. Chúng tôi mời quý vị và các bạn, cùng ôn lại những ký ức ngày ấy và tham quan thành phố Vĩnh Long hiện nay.
Theo Bách khoa toàn thư mở WikipediA
Thành phố Vĩnh Long nằm bên bờ sông Cổ Chiên, một nhánh của sông Tiền, cách thành phố Hồ Chí Minh 135 km về phía Nam, cách Cần Thơ 33 km về phía Bắc, có vị trí địa lý:
- Phía Bắc, Đông, Nam giáp huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
- Phía Tây giáp huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.
- Phía Tây Bắc giáp huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, qua sông Tiền và qua cầu Mỹ Thuận
- Năm 1757, địa bàn thành phố Vĩnh Long ngày nay là thôn Long Hồ, là lị sở của dinh Long Hồ, châu Định Viễn. Thời Gia Long, thôn Long Hồ thuộc tổng Vĩnh Trường, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh.
- Năm 1814, vua Gia Long cho xây thành Vĩnh Long bằng đất tại đây.
- Năm 1832, dưới triều Minh Mạng, thôn Long Hồ thuộc tổng Bình Long, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, tỉnh Vĩnh Long.
- Năm Tự Đức thứ 17, văn thân trong tỉnh lập văn miếu tại đây, nay vẫn còn.
- Đầu thời Pháp thuộc, thôn Long Hồ thuộc tổng Vĩnh Tường, hạt Định Viễn, sau thuộc hạt Vĩnh Long.
- Từ ngày 5 tháng 1 năm 1876, đổi gọi là làng Long hồ, thuộc hạt tham biện Vĩnh Long.
- Từ ngày 1 tháng 1 năm 1900, làng Long Hồ thuộc tỉnh Vĩnh Long.
- Ngày 25 tháng 1 năm 1908, làng Long Hồ thuộc quận Long Châu, tỉnh Vĩnh Long.
- Ngày 9 tháng 2 năm 1917, làng Long Hồ thuộc quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long.
- Ngày 11 tháng 8 năm 1942, tách phần đất thị tứ nhập vào làng tỉnh lỵ Long Châu, cùng quận.
- Sau năm 1956, làng tỉnh lỵ Long Châu được đổi thành xã Long Châu, tổng Phước An, quận Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long.
- Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, hai tỉnh Vĩnh Long và Vĩnh Bình hợp nhất thành tỉnh Cửu Long, đồng thời tách đất của quận Châu Thành để thành lập thị xã Vĩnh Long, lúc đó gồm có 7 phường: 1, 2, 3, 4, 5, 8 và 9.
- Ngày 11 tháng 3 năm 1977, thị xã Vĩnh Long được sáp nhập 2 xã Tân Hòa và Tân Ngãi tách ra từ huyện Châu Thành Tây vừa giải thể.
- Ngày 10 tháng 4 năm 2009, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị định số 16/NĐ-CP, về việc nâng cấp thị xã Vĩnh Long thành thành phố Vĩnh Long. trực thuộc tỉnh Vĩnh Long.
- Ngày 31 tháng 7 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1158/QĐ-TTg, công nhận thành phố Vĩnh Long là đô thị loại 2, trực thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Ngày xưa, từ Sài Gòn về Vĩnh Long, qua phà Mỹ Thuận, rẽ trái là đến cầu Huyền Báo, cây cầu nầy nối liền 2 xã Tân Hòa Bắc và Tân Hội, nay đổi thành Phường Tân Hoà và Phường Tân Hội, là hai phường địa đầu phía tây bắc của thành phố Vĩnh Long.
Xem video : Thành phố Vĩnh Long xưa và Nay tại đây - Xin cảm ơn
Tiếp đến là cầu Cái Đôi, gần cầu vượt Mỹ Thuận. Cầu Cái Đôi được bắt ngang rạch Cái Đôi, là con rạch bắt nguồn từ sông Tiền, dẫn nước tưới tiêu cho vùng đất màu mỡ thuộc 2 phường Tân Ngãi và Tân Hoà.
Vượt qua đường dẫn vào cầu Mỹ Thuận, nhìn về phía bên phải, ta thấy chùa Phật Ngọc Xá Lợi Vĩnh Long, một ngôi chùa lớn, thu hút khách thập phương, chúng tôi sẽ giới thiệu trong một Video riêng, mời các bạn đón xem. Đi tiếp một đoạn nữa, ta đến vòng xoay Trường An, nơi đây là nút giao thông quan trọng, là cửa ngõ phía Bắc của thành phố Vĩnh Long. Nếu rẽ phải, là đường tránh trung tâm thành phố, dẫn về Cần Thơ, và các tỉnh cực nam của miền tây nam bộ. Rẽ trái, là đường ra bờ sông Cổ Chiên, nơi đây có khu du lịch sinh thái Trường An và Cồn Chim. Đi thẳng là vào Thành phố Vĩnh Long.
Qua khỏi cổng chào Vĩnh Long, ta gặp cầu Cái Côn, bên trái cầu có đình Tân Ngãi, một ngôi đình cổ được xây dựng khoảng năm 1836. Bên phải cầu có Chợ Trường An, là cái chợ được nhắc đến trong vở cải lương nổi tiếng, đã làm rơi lệ khán giả qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay. Đó là vở cải lương mang tên Tuyệt tình ca, của 2 soạn giả, Hoa Phượng và Ngọc Điệp.
Rời cầu Cái Côn một đoạn, trên đoạn đường nầy có Chùa Hội Đức, nhà thờ Fatima, tiếp đến là cầu Cái Cam, bắt ngang con sông chảy vào xã Tân Hạnh. Cầu Cái Cam xưa được xây dựng theo kiểu Pháp, có vòm gánh vòng cung phía trên. Nay được xây dựng lại theo kiểu cầu hiện đại. Bên trái cầu là Thiền viện Ngọc Hạnh, thuộc hệ phái khất sĩ Việt Nam, bên kia cầu có bệnh viện Xuyên Á. Đi tiếp một đoạn ngắn, ta đến ngã ba lộ Bờ gòn, rẽ phải cũng là đường vòng, tránh trung tâm thành phố.
Ta đang đi trên đường Phạm Hùng, thuộc phường 9, thành phố Vĩnh Long. Bên trái đường, trước đây là khu dân cư lao động cặp bờ sông Cổ Chiên, thường bị sạt lỡ nghiêm trọng. Nay cư dân nơi đây đã chuyển về khu định cư mới. Bờ sông được xây dựng kè kiên cố, và khu vực nầy trở thành một công viên mới của thành phố Vĩnh Long. Sắp tới, còn có cầu cảng tàu du lịch, đi sang các vùng du lịch sinh thái ở 3 xã cù lao thuộc huyện Long Hồ.
Trước khi vào trung tâm thành phố Vĩnh Long, ta lại qua một cây cầu khác. Đó là cầu Bình Lữ, nối liền giữa phường 9 và phường 2. Ngày xưa, tất cả xe cộ từ các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Trà Vinh, muốn về Sài gòn, đều phải đi qua cây cầu nầy. Bên trái cầu là Nhà thờ Tin Lành.
Qua cầu Bình Lữ sẽ gặp một vòng xoay, còn được gọi là Ngã ba Cần Thơ. Ngã ba Cần Thơ là nút giao thông theo kiểu vòng xoay, lâu đời nhất trên đất Vĩnh Long. Trước kia, nơi đây có một cái tháp ghi công quan đại thần Phan Thanh Giản, là người trấn thủ cuối cùng của thành Vĩnh Long xưa. Từ vòng xoay nầy, nếu rẽ phải theo đường Nguyễn Huệ, thì đến cầu Tân Hữu, và một ngã tư. Xưa kia nơi đây gọi là quận mới, nay thuộc phường 8 Thành phố Vĩnh Long và là cửa ngõ phía tây nam, để về Cần Thơ và các tỉnh cực nam. Từ ngã ba Cần Thơ đi thẳng theo đường Lê Thái Tổ, đi ngang Nhà thờ Chánh Toà, đến Cầu Lộ, bắt ngang kênh Cái Cá. Cầu Lộ được xây dựng từ thời Pháp thuộc, theo phong cách châu Âu, là cây cầu duy nhất, còn giữ được dáng vẽ cổ xưa tại Vĩnh Long, dù đã qua nhiều lần duy tu sửa chữa. Song song với Cầu Lộ, nhìn về hướng tây bắc, ta thấy cầu Cái Cá, cây cầu nầy được xây dựng sát vàm Cái Cá, là một cửa đường thủy ra sông Cổ Chiên. Cầu Cái Cá nối liền đường Phan Bội Châu và đường Lưu Văn Liệt dẫn ra ngã ba đường Lưu Văn Liệt, Lê Thái Tổ, người ta thường gọi là ngã ba Ông Cảnh.
Từ Cầu Lộ đi thẳng theo đường 3 tháng 2, ngày xưa là đại lộ Phan Thanh Giản, qua ngã tư ông Quang, xưa kia nơi đây có phòng mạch của bác sĩ Quang nên người dân quen gọi như thế. Ngày xưa tại giao lộ nầy người ta có đặt tượng bán thân bằng đồng của cụ Phan Thanh Giản. Nơi đây, xưa kia là bệnh viện Nguyễn Trung Trực, mà người dân quen gọi là nhà thương lớn. Nay bệnh viện đã dời đi, thay vào vị trí này là Siêu thị Coop Mart.
Từ chợ Vĩnh Long, theo đường 30 tháng tư, xưa kia mang tên đường Tống Phước Hiệp. Trên đoạn đường nầy có trường Trung học Tống Phước Hiệp nay đổi tên là trường phổ thông trung học Lưu Văn Liệt; Miếu Quốc Công là nơi thờ ngài Tống Phước Hiệp, vị quan trấn thủ đầu tiên của Long Hồ dinh, ngày nay nơi đây trở thành Hội trường trung tâm Văn hoá thể thao thành phố Vĩnh Long; Liền kề tiếp theo là Chùa Thiên Hậu và Trường tư thục Vĩnh Liên, của Hội người hoa thành phố Vĩnh Long. Đây là ngã tư Cầu Lầu. Nơi đây có 2 cây cầu vuông góc với nhau bởi một ngã tư . Rẽ trái là cầu Thiềng Đức, bắt qua sông Long Hồ. Ngày xưa, Cầu Thiềng Đức, là cầu sắt, lót ván, dài nhất ở Vĩnh Long, và là cây cầu duy nhất nối liền cư dân vùng đất phía đông bắc với thành phố Vĩnh Long. Năm 2006 cầu Thiềng Đức cũ được dở toàn bộ, xây dựng theo tiêu chuẩn bê tông vĩnh cửu, cầu hoàn tất, thông xe ngày 02-09-2008, nối liền phường 1 với phường 5 thành phố Vĩnh Long và theo đường Công Thần ngày xưa , nay là đường 14 tháng 9 thẳng xuống phà Đình Khao và đi về các xã thuộc huyện Mang Thít. Từ ngã tư nầy, đi thẳng lên Cầu Lầu, cũng là một trong những cây cầu cổ xưa tại Vĩnh Long. Người dân quen gọi Cầu Lầu, vì theo lịch sử ghi lại, ngày xưa cây cầu này nối liền thành Vĩnh Long với vùng đất phía đông nam. Cầu được bắt bằng ván, ở giữa có một tầng lầu cao để quân lính canh gát, người dân thì đi phía dưới lầu, ngày nay, cầu Lầu cũng đã được bê tông hoá. Cầu Lầu được bắt ngang rạch Cầu Lầu, là con rạch dẫn nước từ sông Long Hồ tưới tiêu cho cánh đồng rộng lớn, phía tây nam. Nay đã trở thành một phần của Phường 3 và phường 4 Thành phố Vĩnh Long. Song song với Cầu Lầu, về hướng Tây Nam, xưa kia, có cầu Khưu Văn Ba, là cầu bằng vĩ sắt. Nay được xây dựng lại bằng bê tông và đổi tên là cầu Phạm Thái Bường. Hiện nay trên con rạch Cầu Lầu còn có thêm 3 cây cầu nửa, đó là cầu Hưng Đạo Vương, cầu Truyền hình. Cuối cùng là Cầu Ngang Phường 3, xưa kia có tên gọi là Cầu Ngang năm Song. Cầu ngang Năm Song chỉ là một cây cầu đút nhỏ hẹp, chủ yếu cho xe hai bánh lưu thông, mỗi khi triều cường , hai bên đầu cầu ngập nước . Năm 2016 cầu được xây dựng kiên cố, rộng lớn bằng nguồn tài trợ của đài Truyền hình Vĩnh Long, nối liền đường Nguyễn Văn Thiệt với đường Mậu Thân, ngày xưa gọi là đường Thủ Khoa Nghĩa, thuộc Phường 3, thành phố Vĩnh Long.
Từ ngã tư Cầu Lầu rẽ phải, đến cuối đường 2 tháng 9, xưa là đường Đồng Khánh, ta sẽ đến cầu Lê Minh Trí, xưa kia người dân quen gọi là cầu Công xi heo. Nay đổi tên là cầu Mậu Thân. Cầu nầy bắt ngang dòng Kinh Cụt, nối liền phường 1 và Phường 3. Kinh Cụt là dòng kinh do triều đình nhà Nguyễn cho đào, vừa làm hào sâu bảo vệ cửa hữu thành Vĩnh Long, vừa dẫn nước từ sông Cái Cá vào rạch Cầu Lầu. Ngày nay, kinh cụt đã bị cạn, địa phương đang giải toả xây dựng bờ kè hai bên và nạo vét dòng kinh. Song song với cầu Mậu Thân, về hướng Tây Bắc có cầu Kinh Cụt, là cây cầu nhỏ ở đầu kinh Cụt, dẫn vào khóm 1, phường 3, cũng là một lối đi vào đình Tân Giai.
Từ bến xe Vĩnh Long, nếu du khách muốn về Trà Vinh, thì phải đi theo đường Phó Cơ Điều, vượt cầu Vồng, qua ngã ba Chiều tím, đến vòng xoay bệnh viện đa khoa Vĩnh Long. Vòng xoay nầy là cửa ngõ phía đông nam của thành phố Vĩnh Long, nối liền đường Trần Phú, đường Phạm Thái Bường và đường Phó Cơ Điều, là những con đường dẫn về trung tâm thành phố Vĩnh Long, theo hướng Trà Vinh đi lên. Nối liền các huyện phía đông nam tỉnh Vĩnh Long, có cầu Ông Me Lớn, Cầu Ông Me lớn được bắt ngang rạch ông Me, là một nhánh rẽ của sông Long Hồ dẫn nước về tưới tiêu cho ruộng vườn 2 xã Long Phước và Phước Hậu. Từ vòng xoay này rẽ trái là hướng về Bến Tre. Nơi đây có cầu Chợ Cua, bắt qua sông Long Hồ, nối liền thành phố Vĩnh Long với Xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, dẫn đến Phà Đình Khao qua 3 xã cù lao huyện Long Hồ và vùng cây xanh trái ngọt thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre,
Ngày nay, thành phố Vĩnh Long còn có thêm 2 cây cầu xinh xắn nửa. Một, là cầu Cồn Chim, nối liền Phường 9 và Cồn Chim thuộc ấp Tân Vĩnh, Phường Trường An thành phố Vĩnh Long, được qui hoạch thành khu du lịch sinh thái, cặp bờ sông Cổ Chiên thơ mộng. Cầu cồn chim mỗi ngày đón hàng chục bạn trẻ gần xa đến vui chơi, hóng mát và chụp ảnh lưu niệm.
Cầu thứ 2 mang tên cầu Bạch Đằng, được thiết kế theo kiểu cầu dây giăng, nối liền chợ cá Vĩnh Long với bến Đá phường 5, thay cho những chiếc xuồng đưa khách sang sông ngày xưa.., Nhìn từ xa, Cầu Bạch Đằng như một dãy lụa xinh xắn vắt ngang cửa sông Long Hồ. Như vậy trên dòng sông Long Hồ hiện nay có 3 cây cầu đó là cầu Bạch Đằng, Cầu Thiềng Đức và cầu Chợ Cua. Bến Đá ngày nay cũng đã được xây dựng bờ kè chạy dài đến vàm rạch Cái Sơn Bé. Tương lai sẽ có con đường nhựa trải rộng, từ cầu Bạch Đằng đến Miếu Công Thần, tạo động lực phát triển cho vùng đất phía đông bắc thành phố Vĩnh Long.
Trên đoạn sông Cái Cá, từ vàm rạch Tân Hữu đến vàm sông Cổ Chiên đang được xây dựng bờ kè kiên cố chống sạt lỡ và tạo cảnh quang đô thị. Từ Cầu Lộ nhìn về bờ sông trước rạp hát Vũ Đông ngày xưa, ta thấy có con đường mới, với đường cong mềm mại, xinh xắn nối liền đến cầu Cái Cá. Bên kia cầu Cái Cá là xóm Bún và xóm Chày ngày xưa cũng có đường nhựa và bờ kè dọc sông Cổ Chiên. Từ vàm Cái Cái ngược về vàm sông Long Hồ được xây dựng bờ kè kiên cố, lát đá hoa cương, là nơi hóng mát cho người dân mỗi khi chiều xuống và rực rỡ đèn hoa trong những đêm lễ tết.
Ngoài ra thành phố Vĩnh Long còn được mở thêm những con đường mới. Như là: đường Trần Đại Nghĩa, thuộc phường 4 , Thành phố Vĩnh Long. Nối liền đường Hưng Đạo Vương bằng cầu Hưng Đạo Vương, điểm cuối là ngã ba trước bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long. Con đường nầy chạy song song với đường Trần Phú và đường Phạm Thái Bường.
Đường Nguyễn Văn Thiệt, được mở vào năm 2008, bắt đầu từ ngả 3 đường Trần Phú, đi ngang chùa Long Viễn, qua đường Trần Đại Nghĩa, đường Phạm Thái Bường cuối đường là Cầu Ngang Phường 3. Vùng đất này xưa kia là ruộng sâu, vườn tạp, thuộc vùng ngoại ô thị xã Vĩnh Long, nay đã được đô thị hoá một cách nhanh chóng.
Cách cống Mụ Nghệ khoãng 100m còn có đường Lê Minh Hữu, nối liền đường Trần Phú và đường Phạm Thái Bường, vắt ngang đường Trần Đại Nghĩa. Con đường nầy được trồng cây bằng lăng hai bên lề, tạo thành một con đường có màu tím thẫm vào mùa hoa nở rộ.
Khu vực ruộng giáp ranh phường 3 và Phường 4, đang được mở một con đường mới. Bắt đầu từ đường Phó Cơ Điều, hướng Trà Vinh đi vào trung tâm thành phố, qua công Viên Truyền hình, vượt kênh Cái Cá bằng Cầu Lộ 2 đang xây dựng, nối liền với đường Võ Văn Kiệt, xưa kia là khu vực sân bay Vĩnh Long. Đường Võ Văn Kiệt vượt sông Cái Cam, Rạch Cái Côn và kết nối vào Quốc lộ 1 tại Phường Tân Ngãi.
Con đường Quận Nghĩa ngày xưa, nay là đường Ngô Quyền, nối liền đường Lê Thái Tổ dẫn vào khu dân cư cầu Ông Địa, hiện đang được mở rộng cùng với hệ thống bờ kè kiên cố dẫn tới vàm rạch Tân Hữu cũng hứa hẹn là một cung đường đẹp của thanh phố Vĩnh Long.
Và cũng thật thiếu sót nếu không nói tới đường Mậu Thân 2, khởi đầu từ ngã ba đường Phó Cơ Điều, trước trường Đại học xây dựng miền Tây, chạy dài đến khu vườn ổi ngày xưa, nối liền với con đường đang được mở về Cầu Lộ 2, tạo nên hệ thống giao thông liên hoàn, thông thoáng trong tương lai.
Với lịch sử hình thành và hệ thống cầu đường như thế, cho thấy từ thuở xa xưa, Vĩnh Long đã là một thị tứ rất phát triển, ở vùng đất trẻ thuộc Long Hồ dinh.
Đối với những người đã rời xa quê thì những hình ảnh trên đây, là những kỹ niệm thân thương không thể nào quên.
Hiện tại thành phố Vĩnh Long đang dần dần khoát lên mình diện mạo mới, nhiều tuyến đường, nhiều công trình được xây dựng cho xứng tầm một đô thị trung tâm miền Tây Nam bộ. Nếu có dịp trở lại quê huơng Vĩnh Long, mời quý vị dạo quanh một vòng để hồi tưởng về quá khứ và chứng kiến quê mình đang phát triển mạnh mẻ, từng bước, có nhiều thay đổi theo phong cách hiện đại.