Việt Nhân Blogs

Lăng Thoại Ngọc Hầu - Điểm đến lịch sử

Lăng Thoại Ngọc Hầu (còn gọi là Sơn Lăng) là di tích văn hóa lịch sử, công trình kiến trúc cổ tiêu biểu dưới thời Nguyễn, nơi yên nghỉ của danh thần Thoại Ngọc Hầu, người có công lớn trong việc khai hoang, lập làng, đào kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế thông thương hàng hóa, bảo vệ biên cương phía Tây Nam của Tổ quốc.

Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại (quê quán huyện Duyên Phước, Quảng Nam nay thuộc quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Theo Địa chí An Giang, vào cuối thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, ông cùng gia đình vào sống ở làng Thới Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1777, Nguyễn Văn Thoại theo phò Nguyễn Ánh lập được nhiều công trạng, làm đến chức thống chế, được phong tước Ngọc Hầu. Sau khi Nguyễn Ánh (vua Gia Long) lên ngôi vua, ông được cử làm Quản thủ đồn Long Hưng, Bà Rịa - Vũng Tàu, trấn thủ Lạng Sơn, thống quản biền binh bảo hộ Cao Miên nên còn được gọi là Bảo Hộ Thoại. 

Đến năm 1817, ông về trấn thủ trấn Vĩnh Thanh, đóng quân ở thành Châu Đốc. Khi Thoại Ngọc Hầu về trấn thủ trấn Vĩnh Thanh, thấy việc giao thông thương mại ở vùng đất này gặp nhiều khó khăn, mọi trao đổi hàng hóa thời bấy giờ giữa miền duyên hải Hà Tiên, Rạch Giá nay thuộc Kiên Giang đều phải đi vòng đường biển xa xôi, bất tiện và để tháo bớt một phần nước lụt của sông Hậu ra biển Rạch Giá, Thoại Ngọc Hầu đã tiến hành việc đào kênh. Năm 1818, ông chỉ huy dân binh đào kênh nối liền sông Đông Xuyên, Long Xuyên với Rạch Giá để việc qua lại giữa trấn Vĩnh Thanh và trấn Hà Tiên không còn ngăn cách trong mùa khô hạn. 

Khi công trình hoàn thành, để tưởng nhớ công lao, vua Gia Long lấy tên ông đặt cho núi Sập là Thoại Sơn và sông Đông Xuyên là Thoại Hà. Cũng trong thời gian từ năm 1819 - 1824, vâng lệnh vua, Thoại Ngọc Hầu đốc suất dân binh trấn Vĩnh Thanh đào con kênh dài gần 100km nối liền Châu Đốc và Hà Tiên (kênh Vĩnh Tế). Hiệu quả to lớn con kênh mang lại được sách Đại Nam nhất thống chí ghi nhận: “Từ ấy, đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân buôn bán đều được tiện lợi vô cùng”.

Khuôn viên lăng Thoại Ngọc Hầu

Lăng Thoại Ngọc Hầu xây dựng trên nền đá xanh, nằm kề trên Quốc lộ 91, mặt hướng về phía bắc đối diện miếu Bà Chúa Xứ, lưng tựa vào vách đá núi Sam do đích thân Thoại Ngọc Hầu đứng ra chỉ huy xây dựng vào cuối những năm 20 của thế kỷ XIX.

Toàn khu sơn lăng là một khối kiến trúc hài hòa. Xung quanh lăng được bao bọc bằng vách tường đúc dày vững vàng cao hơn đầu người, phía trước là 2 cửa lớn hình bán nguyệt theo kiểu kiến trúc của lăng tẩm xưa, 2 bên có 2 hàng liễn đối. Để vào lăng, phải qua 9 bậc đá ong được vận chuyển từ miền Đông. Phía trước lăng là khoảng sân rộng nổi bật với long đình, bên trong có bản sao bia Thoại Sơn. Khu chính giữa là lăng mộ và đền thờ, 2 bên là 2 dãy mộ vô danh. Ở giữa trong khuôn viên lăng chính là mộ của ông Thoại Ngọc Hầu, bên phải là mộ của bà chính thất Nhất phẩm phu nhân Châu Thị Tế, bên trái là ngôi mộ khiêm nhường hơn của bà thứ Diệc phẩm phu nhân Trương Thị Miệt. Trước mỗi đầu mộ đều có bức bình phong, chân mộ là bi ký.

Ngoài ra, ở 2 bên khuôn viên lăng còn có những ngôi mộ có nhiều hình dạng khác nhau: hình bầu dục, hình voi phục, hình quả đào, cái nón… Đây đều là những ngôi mộ vô danh của các cận thần, thân tộc và những người dân phu, dân binh đã chết khi tham gia đào kênh Vĩnh Tế. Tương truyền, mộ hình trái đào và cái nón là đào kép chánh trong đoàn hát bộ theo biểu diễn cho ông xem khi còn sống. Sau lăng là đền thờ trên nền cao hơn. Sau lưng đền thờ là sườn núi Sam tạo thành thế vững chắc kiên cố, tôn lên nét cổ kính uy nghi. Trong đền thờ, nơi chính điện đặt bài vị của ông Thoại Ngọc Hầu và 2 phu nhân cùng với những liễn đối, hoành phi, văn bia, văn tế... luôn nghi ngút hương khói của người dân và du khách thể hiện lòng kính trọng với những tiền nhân đã có công vì dân vì nước.

Đền thờ Thoại Ngọc Hầu

Đây là lần đầu tiên tôi đến viếng lăng Thoại Ngọc Hầu. Đến đây, tôi được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc, văn hóa, lịch sử tiêu biểu dưới thời phong kiến nước ta, thưởng ngoạn không khí yên ả, thanh bình. Không chỉ vậy, tôi còn hiểu được sự gian lao, khổ cực trong công cuộc khai hoang mở mang bờ cõi để lại cho con cháu muôn đời sau của bậc tiền nhân ta thuở trước” - chị Nguyễn Lê Thanh Thúy du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.

Theo Báo An Giang

Vietnhan.org