img

Chùa Tây An

Chùa Tây An (An Giang) còn có tên gọi là Tây An cổ tự hay Tây An núi Sam do chùa nằm tựa lưng dưới chân núi Sam. Chùa được xây dựng vào giữa thế kỷ 19. Đặc điểm nổi bật của ngôi chùa là phong cách kiến trúc Ấn Độ kết hợp với kiến trúc chùa cổ ở Việt Nam. Từ xa nhìn vào, chùa nổi bật với ngôi lầu nóc tròn hình củ hành kiểu kiến trúc Ấn Độ với màu sắc tươi sáng, nổi bật trên nền núi xanh thẫm.

Chùa tọa lạc trên nền đất cao, thoáng, có tổng diện tích là 15.000 m2. Nói chùa Tây An là biểu tượng cho sự giao lưu kiến trúc nghệ thuật giữa Việt Nam và Ấn Độ quả không sai. Phần lớn chi tiết, cấu trúc trong chùa đều là sự kết hợp hài hòa của hai phong cách kiến trúc này. Ô cửa hình vòng cung, mái vòm kiểu Ấn Độ xen lẫn các hoa văn rồng phượng hay có trong những ngôi chùa Việt cổ.

Vòm chính điện đắp nổi hình rắn hổ mang 7 đầu

ch-ugrave-a-t-acirc-y-an-lvsha.jpg

Ngọn tháp có kiến trúc phần dưới vuông giống như ở chùa cổ Việt Nam, còn phần trên hình tròn theo phong cách kiến trúc Ấn Độ. Ảnh: Phong Vinh/ Vnexpress

Được xây dựng từ năm 1847 nhưng tới nay chùa Tây An vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Khu chính điện cao 18 mét, là hai dãy nhà rộng, có hai tầng mái, nền lát gạch bông. Trong chính điện có 150 pho tượng làm bằng gỗ cổ thụ, được chạm trổ công phu, tỉ mỉ. Hai bên là lầu chuông và lầu trống. Chùa theo phái Đại thừa, có nhiều kiểu tượng Thần – Tiên – Phật. Phía sau chùa thờ các vị sư trụ trì.

ch-ugrave-a-t-acirc-y-an-hz03p.jpg

Gian chính điện chùa Tây An. Ảnh: Phong Vinh/ Vnexpress

Chùa Tây An từ lâu đã có tiếng vì sư trụ trì được bà con suy tôn là Đức Phật Thầy Tây An. Ông tên là Đoàn Minh Huyên, sinh năm 1807 tại Đồng Tháp, là một chí sỹ yêu nước, thường ra tay cứu độ dân lành. Ông là người khai sáng giáo phái Phật giáo “Bửu Sơn – Kỳ Hương”. Đạo Bửu Sơn - Kỳ Hương còn được gọi là đạo Lành có đặc điểm đơn giản hóa đạo Phật (tuân theo thuyết vô vi và học Phật tu nhân), đề cao Tứ ân và xem trọng việc khẩn hoang, mở rộng đất đai lao động sản xuất.

Chùa Tây An nhìn từ trên cao

Chùa Tây An được xếp hạng “Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia” vào năm 1980.  Đây không chỉ là nơi thờ tự, sinh hoạt tín ngưỡng linh thiêng của người dân các tỉnh miền Tây mà còn là điểm tham quan hấp dẫn đối với những người say mê kiến trúc.

Địa chỉ: Chùa Tây An ở ngã ba núi Sam, phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Chùa cách thị xã khoảng 5km và nằm trong quần thể di tích nổi tiếng ở An Giang là chùa Tây An, chùa Phước Điền (chùa Hang), lăng ông Thoại Ngọc Hầu và miếu bà Chúa Xứ.