Việt Nhân Blogs

Chùa Bốn Mặt

Chùa Bốn Mặt nằm trên địa phận xã Phú Tân, huyện Châu Thành, cách trung tâm Tp. Sóc Trăng khoảng 7 km theo hướng đi về huyện Kế Sách. Chùa được người Khmer xây dựng vào năm 1537 trên diện tích 6,5 ha với lối kiến trúc Khmer. 

Chùa thờ Đức phật Thích Ca Mâu Ni, hệ Nam Tông. Theo vị sư trụ trì của ngôi chùa, chính điện của chùa được xây bằng rơm, cát, đất sét nên khi gõ vào sẽ thấy âm thanh khác lạ so với những bức tường được xây theo cách thông thường bằng gạch và xi-măng.

ch-ugrave-a-bon-mat-tdzht.jpg

Ảnh: Hoàng Phương

Tòa chính điện được sơn vàng rực rỡ, nhưng trang trọng và uy nghiêm. Trong tòa chính điện có các tượng phật xếp thành lớp từ thấp đến cao, chính giữa là pho tượng phật Thích Ca Mâu Ni cao 2 m, ngồi thiền trên bệ cao 3 m. Điểm nổi bật nhất của chùa tượng phật bốn mặt hình tháp Maha Prum. Có lẽ đây là lý do khiến ngôi chùa có tên là chùa Bốn Mặt. 

Theo quan niệm của người Khmer, đầu tượng Maha Prum tượng trưng cho đức Phật luôn nhìn về 4 hướng, ở trên cao quan sát để phổ độ chúng sinh. Vì thế, có thể dễ dàng nhìn thấy đầu tượng Maha Prum ở bất kỳ ngôi chùa Khmer nào trên đỉnh cổng, đỉnh tháp hay đỉnh chùa, những vị trí trang trọng để đặt đầu tượng Phật 4 mặt. 

Phía sau chùa là hàng trăm cây đào hồng nhung, một loại cây ăn quả cho trái quanh năm (nhất là vào mùa mưa), quả đào hồng nhung có màu đỏ nhung nên được gọi là đào hồng nhung, khi chín quả đào tỏa hương thơm lừng và vị ngọt mát. 

ch-ugrave-a-bon-mat-jlzu6.jpg

Một cây đào hồng nhung được trồng trong chùa Bốn Mặt. Ảnh: Hoàng Phương

Cách vườn đào hồng nhung không xa là một cánh đồng gần như trơ trọi, xung quanh chỉ có những bờ cây dại, tất cả đều  khô cạn nhưng chính giữa vẫn tồn tại một mương nước chạy dài, người dân trong vùng gọi đó là “Giếng Tiên” hay cụ thể hơn là  “Giếng Tiên Bà”. Có khá nhiều truyền thuyết, câu chuyện ý nghĩa về địa danh này.

Vào các dịp lễ Tết, ngôi chùa lại trở nên đông đúc, thu hút các tín đồ  tham dự, nhiều nhất là các dịp Tết Chol Chnam Thmay hay lễ Sen Đôn Ta.  Chùa được công nhận là di sản văn hóa – lịch sử cấp tỉnh, là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư tỉnh Sóc Trăng. Trước kia, chùa là căn cứ quân sự nuôi giấu cán bộ Cách mạng, ngày nay, chùa còn là nơi dạy học cho bà con Khmer ở đây.

Hồng Điệp (tổng hợp)

Vietnhan.org