Tháp cổ nghìn năm bí ẩn
Cách trung tâm Tp. Bạc Liêu (Bạc Liêu) khoảng 20 km, tháp cổ Vĩnh Hưng ở xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi đã được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia cách nay 22 năm. Tháp này là di tích kiến trúc cổ duy nhất còn được bảo tồn ở miền Tây có giá trị về mặt nghệ thuât văn hoá được một nhà khảo cổ người Pháp phát hiện vào năm 1911.
Nhìn chính diện, chân tháp hình chữ nhật, toàn tháp cao hơn 8 m tính từ nền tháp, đỉnh tháp đã sập. Trước đây tháp được liệt vào danh mục các di tích kiến trúc mang số hiệu 902 được nhà cầm quyền Nam Kỳ xếp hạng thứ 14 trong danh mục các di tích lịch sử của xứ Nam Kỳ.
Sau khi được phát hiện, từ năm 1911 đến 1959 những nhà khảo cổ Pháp tìm đến tháp để khảo sát, phát hiện rất nhiều hiện vật mà chủ yếu là vật thờ cúng. Một trong những tấm bia tìm thấy ở trong chùa cạnh tháp có khắc chữ Phạn ghi rõ tên của vua Yacovan Man cùng với tháng Karhila năm 814, tương ứng với năm 892 sau công nguyên.
Nhìn vào từ cửa chính là bộ Linga - Yoni tượng trưng cho âm dương hòa hợp được phục chế lại. Bộ Linga - Yoni nguyên gốc đang được gìn giữ tại bảo tàng.
Trải qua hơn một nghìn năm, bên ngoài tháp đã bị bong tróc. Nhà chức trách ở Bạc Liêu phải ra tận miền Đông tìm đất mang về nung thành những viên gạch để phục chế một phần phía trước đã bị hư hỏng. Bên trong tháp, gạch phía dưới màu nâu đỏ, từ độ cao 4,15 m trở lên là gạch màu trắng xám, có kích thước lớn hơn nhưng nhẹ hơn gạch phía dưới.
Tháp được xây dựng trên một diện tích khá lớn, cao hơn mặt ruộng hiện tại khoảng 50 cm.
Phía sau thân tháp phải dùng ba sợi thép to, không gỉ niềng lại, tránh bị sập.
Hơn 10 năm trước, các nhà khảo cổ đã khai quật một vị trí gần chân tháp phát hiện những cổ vật liên quan đến Phật giáo và những di vật thường tìm thấy trong những phế tích kiến trúc ở Óc Eo.
Cuối năm 2011, việc khai quật được thực hiện thêm một lần nữa tại khu đất trước tháp, các nhà khảo cổ phát hiện thêm một số cổ vật quý như hai di vật bằng đá, một di vật bằng đồng độc bản nằm ở độ sâu gần 2 m. Ngoài ra, nhóm nhà khảo cổ đã phát hiện thêm một sàn gạch rộng khoảng 25 m2.
Những cuộc hội thảo của ngành văn hóa ở Bạc Liêu những năm gần đây, các nhà khảo cổ nhận định, tháp Vĩnh Hưng không phải là một di tích đơn lập hay đơn độc mà cùng với di tích cổ này còn có các di tích khác nhau thuộc dạng cư trú, sinh hoạt phân bổ ở nhiều nơi trong vùng Vĩnh Hưng. Tuy nhiên, các di tích ấy đã trở thành phế tích, ghi lại dấu vết của một khu cư dân khá lớn đã phát triển, tồn tại từ cách đây nhiều thế kỷ. Hiện chỉ có tháp Vĩnh Hưng còn bảo tồn được khá nguyên vẹn cho đến nay.
Nhà trưng bày cổ vật trước tháp cổ Vĩnh Hưng đã được xây dựng. Người dân miền Tây háo hức chờ đợi những cổ vật sau nghìn năm "ngủ vùi" trong lòng đất sẽ được công bố.
Hồng Điệp, Theo Zing