Tái Ông Thất Mã
Xưa có ông lão tên là Tái Ông sinh sống ở vùng biên giới phía bắc Trung Quốc. Ông rất giỏi việc nuôi ngựa. Ngày kia ngựa của Tái Ông xổng chuồng chạy sang nước Hồ lân cận. Hàng xóm láng giềng hay tin đã đến an ủi nhưng Tái Ông lại cười mà nói rằng "Tôi tuy mất ngựa, nhưng đó có thể lại là điều tốt."
Vài tháng sau, con ngựa mất tích đột nhiên trở, lại có một con tuấn mã của người Hồ theo về. Thấy thế, hàng xóm đến chúc mừng, tuy nhiên Tái Ông cau mày nói "Tôi được ngựa quý, sợ rằng đó chẳng phải là điềm lành."
Con trai ông thích cưỡi con ngựa quý, một hôm anh ta ngã ngựa gãy chân và trở thành tàn tật. Hàng xóm đến khuyên nhủ ông đừng quá thương tâm, Tái Ông điềm nhiên "Con trai tôi tuy gãy chân, nhưng đó chưa hẳn đã là điều không may." Khi đó hàng xóm nghĩ rằng ông lão quá đau buồn và đã bị quẫn trí.
Một năm sau, nước Hồ láng giềng đưa quân sang xâm lược. Tất cả thanh niên trai tráng đều phải tòng quân và hầu hết đều bị tử trận. Con trai ông đang bị què chân nên được ở nhà và thoát chết. Lúc này hàng xóm láng giềng mới thấy rằng những lời của Tái Ông quả thật rất thâm thúy.
Lời bình:
Quả là “trong phúc có hoạ”, “trong hoạ lại có phúc”. Sự đời thật khó mà lường.
Dĩ nhiên, chuyện Tái Ông chỉ là một trường hợp lạ, hiếm hoi. Nhưng qua chuyện này, người ta muốn ngụ ý một triết lý: Sự đời may rủi thất thường, hãy bình tĩnh mà chiêm nghiệm và suy xét. Mất chưa hẳn là mất, mất cũng chưa hẳn là mất tất cả, vì vậy chớ có nản lòng, nhụt chí. Có khi chính từ sự mất mát, tai ương kia lại là tiền đề đem lại cho ta một điều may mắn cũng nên.
Ngược lại, chớ vui với điều may mắn nhãn tiền. Không khéo thì rất có thể rủi ro sẽ đến từ điều tưởng là hay đó. Đây cũng là bài học về chữ "Nhẫn" trong cuộc sống.
Sau khi kể câu chuyện trên, sách Hoài Nam Tử đưa ra luận điểm:
Họa là gốc của Phúc, Phúc là gốc của Họa. Họa Phúc luân chuyển và tương sinh. Sự biến đổi ấy không thể nhìn thấy được, chỉ thấy cái hậu quả của nó.
Do đó, người đời sau lập ra thành ngữ: “Tái ông thất mã, an tri họa phúc”. Nghĩa là: Ông lão ở biên giới mất ngựa, biết đâu là họa hay là phúc.
"Hai điều họa phúc cứ xoay vần với nhau, khó biết được, nên khi được phước thì không nên quá vui mừng mà quên đề phòng cái họa sẽ đến; khi gặp điều họa thì cũng không nên quá buồn rầu đau khổ mà tổn hại tinh thần. Việc đời, hết may tới rủi, hết rủi tới may, nên bắt chước tái ông mà giữ sự thản nhiên trước những biến đổi thăng trầm trong cuộc sống."
Cổ ngữ cũng có câu: "Họa tùng phúc sở ỷ, phúc tùng họa sở phục" (Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của mối họa đang rình rập). Việc đời, hết may tới rủi, hết rủi tới may, nên bắt chước tái ông mà giữ sự thản nhiên trước những biến đổi thăng trầm trong cuộc sống. Ta không bao giờ thực sự biết được những điều còn ở phía phía trước sẽ xảy ra như thế nào. Cuộc sống không phải lúc nào cũng như chúng ta mong đợi.
Nguồn: sưu tầm

Người thợ rèn và con chó

Người săn chim, gà gô và gà trống

Bụng và các bộ phận khác của cơ thể

Ong và thần Jupiter

Dơi, chim và họ nhà thú
