Việt Nhân Blogs

Phan Thiết: Đánh thức "nàng công chúa ngủ quên"

Ít dự án mới

Thống kê cho hay, trong giai đoạn 2015-2020, Phan Thiết chỉ ghi nhận thêm nguồn cung phòng mới từ năm cơ sở lưu trú. Tính đến tháng Ba năm 2021, khu vực hiện có 51 cơ sở lưu trú thuộc phân khúc midscale (tầm trung) trở lên đang hoạt động cung cấp ra thị trường khoảng 5.800 phòng; nếu so với thị trường Khánh Hòa và Đà Nẵng, nguồn cung này chỉ tương ứng lần lượt là 20% và 30% số lượng phòng tại đây.

Theo thống kê của cơ quan quản lý du lịch địa phương, trước khi chịu tác động từ đại dịch COVID, ngành du lịch Bình Thuận ghi nhận mức tăng trưởng tích cực về lượt khách lưu trú với tốc độ tăng trưởng đạt 13,7%/năm trong giai đoạn từ 2014 đến 2019. Mặc dù lượng du khách tăng lên, thời gian lưu trú của du khách đang có xu hướng giảm dần. Theo đó, số ngày khách nội địa lưu trú giảm từ 1,7 ngày trong năm 2014 xuống 1,6 ngày trong năm 2019 trong khi khách quốc tế giảm từ 3,3 xuống 3,1 ngày.

Ông Mauro Gasparotti – Giám đốc Savills Hotels APAC chia sẻ: "So với tốc độ tăng trưởng nguồn cung mạnh mẽ tại Đà Nẵng, Khánh Hòa và Phú Quốc trong những năm vừa qua, Phan Thiết được ví như "nàng công chúa ngủ quên" với rất ít dự án mới và phần lớn nguồn cung trên thị trường là các khu nghỉ dưỡng quy mô nhỏ do chính chủ đầu tư tự vận hành - chiếm tỷ trọng 92% tổng số phòng hiện có trên thị trường".

Phan Thiết với đường bờ biển trong xanh. Ảnh: VnPlus 

Bên cạnh đó, hoạt động của các cơ sở lưu trú hiện phụ thuộc nhiều vào nhu cầu nội địa, chiếm gần 90% lượt khách lưu trú hàng năm. Với tỷ trọng khách nội địa lớn, 2020 là năm đầu tiên Bình Thuận vượt qua Khánh Hòa và Đà Nẵng về lượng khách lưu trú, đạt hơn 3 triệu lượt so với 1,3 triệu và 2,7 triệu tại hai địa phương này.

Mặc dù vậy, với tác động của dịch COVID, hoạt động kinh doanh của các cơ sở lưu trú tại địa phương đều bị ảnh hưởng khi phần lớn các Resort ghi nhận mức công suất phòng sụt giảm hơn một nửa so với mức 65%-70% đạt được trong năm 2019.

Được biết, trong số bốn dự án đang triển khai thi công và dự kiến hoàn thành trước 2023, có hai dự án nổi bật với quy mô lớn đang được quy hoạch và phát triển thành những tổ hợp nghỉ dưỡng cung cấp đa dạng sản phẩm lưu trú cũng như tiện ích giải trí. Với tốc độ tăng trưởng ước tính đạt 33,8%/năm, thị trường dự kiến sẽ đón nhận thêm 8.000 phòng trong vòng ba năm tới.

Cần đưa ra các sản phẩm du lịch đặc trưng

Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã tạo điều kiện thu hút dòng vốn từ các doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân để thúc đẩy hoạt động kinh tế địa phương, với du lịch là một trong những ngành mũi nhọn của tỉnh.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu phát triển bền vững với tầm nhìn trung và dài hạn, theo các chuyên gia, chính quyền địa phương và các chủ đầu tư cần hợp tác chặt chẽ với các đơn vị tư vấn, quản lý, đơn vị quy hoạch kiến trúc có năng lực để có thể đưa ra các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của thị trường đồng thời khai thác được những tiềm năng và đặc trưng của địa phương.

Theo ông Louis Walters - Giám đốc điều hành Sailing Club Leisure Group về tiềm năng du lịch địa phương, thời gian qua khi hoạt động du lịch tại phần lớn các địa phương bị ảnh hưởng bởi Covid, Phan Thiết – Mũi Né vẫn thu hút một lượng du khách từ TP.HCM nhờ vào kết nối giao thông thuận tiện cũng như tình hình kiểm soát dịch bệnh ổn định tại khu vực.

Vốn là một địa danh nổi tiếng với du khách quốc tế, tuy nhiên, Phan Thiết dần trở nên kém hấp dẫn hơn so với các điểm đến khác vì thiếu sự đa dạng trong các hoạt động giải trí cũng như trải nghiệm văn hóa. Việc triển khai các dự án cơ sở hạ tầng trong thời gian tới như tuyến cao tốc Phan Thiết - TP.HCM và sân bay lân cận được kỳ vọng sẽ giúp Phan Thiết thu hút thêm một lượng lớn khách quốc tế cũng như nội địa, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch tại địa phương.

Trong khi đó, theo ông Henry Gray - Giám đốc Điều hành Azula International PTE Ltd – Azerai, Phan Thiết được xem là một điểm đến ngắn ngày, phù hợp với các chuyến đi cuối tuần hoặc các kỳ nghỉ lễ ngắn với thời gian lưu trú từ 1-2 đêm. Khu vực đã và đang có khá nhiều dự án được triển khai, tuy nhiên lại thiếu đi sự đa dạng trong quy hoạch tổng thể, mô hình và sản phẩm dự án để có thể khai thác được tiềm năng du lịch, truyền tải nét đặc thù của địa phương.

Theo chuyên gia này, Phan Thiết cần tập trung phát triển thêm các tiện ích giải trí như nhà hàng, quán bar, cửa hàng mua sắm, hoạt động thể thao biển, v.v… nhằm hoàn thiện hệ sinh thái du lịch, mang đến những trải nghiệm đa dạng hơn cho du khách. Bên cạnh đó, các tiện ích công cộng cũng cần được quan tâm để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của khách du lịch, bao gồm các dịch vụ y tế, giao thông, yếu tố vệ sinh và an ninh.

Theo Tổ quốc

Vietnhan.org