Nguyễn Khoa Đăng
Ngày xưa, có nội tán Nguyễn Khoa Đăng là người có tài xử đoán ngay từ khi còn làm chức quan nhỏ. Sau khi lên chức ở huyện ông càng được nhiều người dân mến phục hơn bởi những tình huống xử lý tài tình. Không chỉ vậy, ông còn được người dân yêu mến vì lòng tốt đối với mọi người lúc nào cũng lo trừ hại cho dân.
Có lần, ông đến nhậm chức ở một huyện, một hôm có người dân làng kia bị kẻ thù oán, đêm đến lẻn ra đồng phá hết cả một ruộng dưa. Đau xót cho công lao vun trồng, dưa sắp được ăn chỉ trong một đêm bị héo rụng hết cả, người ấy bèn đến kêu khóc với ông, xin ông minh xét. Ông Đăng theo ngay người ấy về tận ruộng dưa khám nghiệm. Tất cả dấu vết đều chứng tỏ kẻ gian đã dùng một cái thuổng xắn đứt ngọn dưa và dùng cán giẫm nát hầu hết các gốc dưa. Nhưng hắn rất khôn ngoan, bao nhiêu dấu chân, hắn đều cố ý xóa sạch. Ông hỏi người trồng dưa:
– Anh có ngờ ai thù oán mình không?
Người ấy kể cho quan nghe tên mấy người ở xóm, lập tức ông sai chức dịch đi thu hồi tất cả các thuổng trong xóm lại, thuổng của nhà nào đều có ghi tên nhà ấy vào cán. Đoạn, ông khám từng cán thuổng một, nhặt riêng mấy cái khả nghi ra một nơi. Rồi ông sai người thè lưỡi liếm trên mấy cái cán thuổng đó. Quả nhiên có một cái, người ta nhận thấy có vị đắng. Ông sai lấy một gốc dưa đập giập vắt nước ra nếm thử thì chất đắng của dưa cùng với chất đắng trên cán thuổng là một. Ông nhìn lại tên ghi ở thuổng thì đúng là thuổng của một trong số mấy người mà nguyên cáo ngờ là có thù oán với mình.
Lập tức ông sai lính bắt người kia giải đến. trước tang chứng và lý lẽ đanh thép của quan, hắn không còn chối vào đâu được, đành cúi đầu nhận tội. Ông bắt hắn phải đền hoa lợi ruộng dưa cho người kia và phạt thêm gấp hai lần để hắn chừa cái thói hại ngầm kẻ khác.
Một hôm khác, có một anh hàng dầu, gánh một gánh ra chợ bán. Trong khi đang bận đong dầu, có kẻ đã thừa dịp thò tay vào bị lấy trộm tiền. Đến khi anh hàng dầu biết thì tên ăn cắp đã chạy đi nơi khác. Anh ta nhớ tới một người mù hồi nãy quanh quẩn bên gánh của mình, đuổi mấy cũng không đi, đoán chắc là kẻ cắp, bèn gửi gánh hàng cho người quen rồi đi tìm người mù lúc nãy. Nhưng khi gặp, người mù hết sức chối cãi, rằng mình mù thì còn biết tiền của để ở đâu mà lấy. Hai bên xô xát, tuần bắt giải quan.
Khi họ dắt nhau đến công đường, ông Đăng bắt hai bên khai rõ sự tình. Người mù khăng khăng từ chối không nhận. Ông Đăng hỏi:
– Anh có tiền giắt đi theo đấy không?
Trả lời:
– Có, nhưng đây là tiền tôi mang đi chợ, không phải của nó.
– Được cứ đưa ra đây, của ai rồi sẽ biết.
Khi người mù móc tiền ra, ông Đăng sai người múc đến một chậu nước, rồi bỏ tất cả số tiền vào chậu. Một chốc tự nhiên thấy trên mặt nước có váng dầu nổi lên. Nghe quan sai bưng chậu nước cho mọi người chứng kiến, người mù hết đường chối, đành chịu tội ngay.
Nhưng quan còn nói thêm:
– Khoan đã, chưa hết đâu. Tội ăn cắp mới là một. Nếu mày mù tịt thì làm sao biết được tiền người hàng dầu bỏ trong bị, cất trong thúng khảo mà lấy được! Đúng là mày giả mù. Lính đâu. Bắt nó nọc ra đánh cho rõ đau, kỳ bao giờ nó mở hai mắt ra hãy thôi.
Người mù trước còn chối lấy chối để, nhưng chỉ qua ba roi là hắn mở ngay hai mắt nhận tội, đúng như lời quan truyền bảo[1].
Một hôm khác, có một người lái buôn giấy đến trình quan rằng mình nghỉ trọ ở làng Hồ-xá bị trộm lấy mất cả một gánh giấy. Ông Đăng hỏi rõ nguồn cơn, sai người do thám mấy ngày liền không có kết quả, bèn thân hành đến làng Hồ-xá nghĩ cách cứu xét. Đến nơi, ông cho triệu dân chúng sở tại và mấy làng xung quanh lại và bảo:
– Trên tỉnh vừa sức về bắt các xã thôn mỗi một người không kể nam phụ lão ấu phải làm ngay một tờ khai tên tuổi quê quán cho minh bạch.
Lệnh ban ra, mọi người đua nhau đi mua giấy. Vì thế giấy ở chợ lên giá vùn vụt.
Lại nói chuyện tên trộm trộm được gánh giấy nhưng chưa có nơi tiêu thụ còn giấu ở nhà. Nay nghe nói giá giấy lên cao bèn mang lẻn một số ra chợ bán. Hắn không ngờ người nhà của ông Đăng cũng đi rải ở các chợ để chờ hắn. Thế là bị bại lộ, tên trộm không những bị tội phải đền gánh giấy cho người lái buôn mà còn phải đền cho dân các làng mặt tiền mua giấy kê khai tên tuổi.
Một lần khác, ông được đổi đi một hạt miền núi. Khi ông mới đến, người ta cho ông biết là hạt ấy nổi tiếng có nhiều trộm cướp nhà nghề. Các quan trước bó tay không thể nào trị nổi. Ông chỉ cười nhạt không nói gì, nhưng sau đó ngầm sai người thân tín đi dò la hành tung và quê quán từng tên một. Thế rồi, ông vẫn cứ tảng lờ như là không hay biết gì hết.
Một hôm nhân đi hành hạt qua một làng nọ, ông thấy có một hòn đá lớn ở bên vệ đường. Hỏi dân sở tại, họ đáp:
– Đây là ông Mốc, ngài thiêng lắm, ai cầu khẩn việc gì cũng đều được linh ứng.
Ông nghe nói liền họa theo:
– Phải thế thì ta tới cầu ngài giúp ta trừ yên cướp trộm để bớt hại cho dân chúng mới được!
Nói rồi một mình bước tới khấn vái, hồi lại trở ra bảo mọi người rằng:
– Ngài bảo vài hôm nữa rước ngài về, ngài sẽ vạch mặt tất cả bọ gian phi trong toàn huyện.
Ít hôm sau, ông sai mấy người ban đêm bí mật đào hầm ở giữa sân công đường rồi cho người thân tín xuống nấp dưới đó. Tờ mờ sáng hôm sau, ông sai lính đi khiêng hòn đá về đặt lên trên hầm. Trước mặt mọi người đông đủ, ông dõng dạc hỏi đá:
– Ta nghe đồn thần rất thiêng, “hữu cầu tất ứng”. Nay ta vâng mệnh hoàng đế đến đây trấn nhậm, nhưng hiện nay trong huyện hạt có nhiều trộm cướp nhiễu hại dân cư. Vậy ta mời thần về đây để mách hộ ta truy tầm kẻ phạm pháp. Nếu có công, ta sẽ tâu triều đình phong tặng.
Đá không trả lời. Hỏi mãi, đá vẫn một mực làm thinh, ông nổi giận quát lớn:
– Hay là đá đồng lõa với kẻ phạm pháp. Lính đâu, hãy tra tấn nó cho đến lúc nó phải khai thực!
Bấy giờ, mọi người nghe tin đến xem đông như hội. Lệnh truyền xa, lính dùng roi đánh vào đá túi bụi, tự nhiên đá bật ra tiếng khóc, xin dừng tay lại để khai. Thế rồi, đá lần lượt khai và vạch tội từng tên một. Mỗi lần đá khai một tên nào, ông sai lại mục viết ngay trát, giao cho lính đã chực sẵn đi nã bắt lập tức. Cho đến suốt ngày hôm đó bắt được ba mươi tên cừ khôi. Khi giải cả một xốc về tra tấn, bọn trộm cướp nhìn nhau kinh ngạc, không ngờ lại có việc xảy ra như thế và bắt đúng tên như thế. Chúng cho là chỉ có thần đá linh thiêng mới biết một cách rành mạch tội trạng của mình, bèn không đợi khảo đả, thú nhận tất cả.
Trong thời kỳ làm nội tán, ông đã làm cho suốt một dọc truông nhà Hồ ở Quảng Trị không còn lấy một bóng gian phi. Trước đó, truông này là nơi rừng rậm, con đường Nam Bắc phải đi qua đây. Bọn gian phi đã dùng làm sào huyệt đón đường cướp của.
Nguyễn Khoa Đăng trước hết tìm cách lùng bắt trộm cướp. Ông sai chế ra một loại hòm gỗ kín có những lỗ thông khí, vừa một người ngồi lọt, có khóa trong, để người ngồi trong có thể mở tung ra được dễ dàng. Thế rồi, ông kén một số người giỏi võ, cho ngồi vào hòm có để sẵn vũ khí. Đoạn, ông sai quan sĩ của mình giả trang làm dân phu khiêng những hòm ấy qua truông nhà Hồ ra vẻ khiêng những hòm “của cải” nặng nề. Lại cho người đánh tiếng có một ông quan trấn ở ngoài Bắc sắp sửa trẩy về quê với những hòm tư trang quý giá sẽ đi qua truông. Bọn cướp đánh hơi thấy đây là một cơ hội kiếm ăn hiếm có, bèn rình lúc đoàn “dân phu” đi qua của truông, xông ra đánh đuổi, rồi hý hửng khiêng những cái hòm nặng ấy về tận sào huyệt.
Nhưng khi về đến nơi thì vừa đặt xuống thì những cái hòm tự nhiên mở toang, các võ sĩ ngồi trong đó cầm vũ khí xông ra đánh giết bọn cướp một cách bất ngờ. Đang lúc hoảng hốt chưa kịp đối phó thì bọn chúng nghe tin phục binh của triều đình ở phía ngoài ùn ùn kéo vào đông như kiến cỏ. Chúng đành chắp tay xin tha tội. Nhờ mẹo đó, Nguyễn Khoa Đăng đã tóm được cả lũ.
Ông cho phiên chế thành đội ngũ đi khai khẩn đất hoang ở nơi biên giới, lập thành những đồn điền lớn rộng. Sau đó, ông còn cho chiêu dân lập ấp ở dọc hai bên truông, làm cho một vùng trước kia là nơi vắng vẻ, trở nên những làng xóm dân cư đông đúc: tiếng xay lúa giã gạo, tiếng gà gáy chó sủa lấn dần tiếng vượn hú chim kêu. Từ đó, một vùng núi rừng thành ra yên ổn. Bọn trộm cướp còn lại đành phải giải nghệ.
Bởi vậy, người ta có câu: “Truông nhà Hồ nội tán cấm nghiêm” là thế.
Nguồn: Tổng hợp