img

Lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường - Chủ chợ Cao Lãnh

Hôm nay, kênh Về miền tây có dịp tháp tùng Đoàn đại diện Di tích Văn Thánh Miếu Vĩnh Long đi tấn hương Lễ giỗ lần thứ 202 ông bà Đỗ Công Tường (người dân còn gọi một cách tôn kính là Ông bà Chủ chợ Cao Lãnh).

Đoàn gồm 14 người , khởi hành từ Vĩnh Long lúc 7 giờ sáng và đến Thành phố Cao Lãnh lúc 8g30. 

Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường toạ lạc tại Phường 2 Thành phố Cao Lãnh, Tỉnh Đồng Tháp. Lễ giỗ lần thứ 202 diễn ra từ ngày 5 đến 8/7/2022 (nhằm ngày mùng 7 đến mùng 10 tháng 6 năm Nhâm Dần).

Đoàn chúng tôi được mời tham dự vào ngày mùng 10 tháng 6 tức là ngày cuối cùng của lể giỗ nên không có dịp tham quan phần hội trước đó. Tuy nhiên, dù là ngày cuối nhưng khách thập phương vẫn còn đến khá đông để dâng hương tưởng niệm ông bà chủ chợ.

Lễ  giỗ ông bà chủ chợ được tổ chức nghiêm trang trọng thể và chu đáo. Sau khi đăng ký với bộ phận tiếp tân và ngồi nghỉ giải lao, đoàn chúng tôi được bộ phận nghi lễ rước và đền thờ. Nơi đây, Đại diện Ban Quản Lý Di tích và Ban Tế tự đền thờ ân cần chào mừng, tặng kỷ vật lưu niệm, mời dùng trà và sau đó vào chánh điện nguyện hương.

Theo sử sách ghi lại, ông Đỗ Công Tường tục danh là Lãnh cùng vợ đến lập nghiệp tại thôn Mỹ Trà khoảng đầu đời vua Gia Long. Ông khai khẩn đất hoang, trồng cây, không bao lâu khá lên nhờ nguồn thu từ vườn quýt. Vườn quýt của ông bà rộng rãi, mát mẻ, thuận tiện cả đường sông lẫn đường bộ nên người dân trong thôn thường họp ở đây để mua bán, lâu dần thành chợ. Hiện đây là chợ thành phố Cao Lãnh.

Dân chúng quanh vùng ai cũng mến mộ ông bà. Thấy ông có tính cương trực, lại thông thuộc kinh sách nên người dân cử ông giữ chức Câu Đương, trông coi việc phân xử những vụ tranh tụng nhỏ trong thôn. Từ đó, người người quen gọi ghép chức vụ và tên tục của ông là Câu Lãnh. Còn khu chợ Vườn Quýt cũng được người dân gọi tên là chợ Ông Câu hay chợ Câu Lãnh.

Năm Canh Thìn (1820), xảy ra bệnh dịch tả trong vùng khiến nhiều người chết. Ông, bà đặt bàn hương án khấn nguyện, xin chết thay cho dân chúng và cầu cho dịch bệnh mau chấm dứt. Sau đó, ông bà chay lạt, khổ hạnh từ ngày mùng 6 đến 9/6 thì bà lâm bệnh và mất, ngày mùng 10/6 ông cũng bệnh qua đời, dịch bệnh cũng sớm chấm dứt.

Nhớ ơn ông, bà, dân làng lập miếu phụng thờ. Thời gian dần trôi, lâu ngày, tên Câu Lãnh được gọi trại thành Cao Lãnh, ngày nay là tên chợ, tên một thành phố và một huyện của tỉnh Đồng Tháp.

Trong dân gian cũng có nhiều câu chuyện về sự linh hiển của ông bà chủ chợ. Ai gặp khó khăn, bệnh tật đến khấn vái ông bà đều được mau chóng hiệu nghiệm sở cầu như ý. Cho nên người dân trong vùng và các tiều thương trong chợ đều rất kính tin ông bà. Thể hiện qua lượng khách đến dâng hương đông đảo và họ không ngần ngại bò qua dưới ngai thờ để mong được ông bà che chở an lành.

Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường là di tích lịch sử văn hóa, bao gồm một tổ hợp kiến trúc đồ sộ: Đền thờ trang trí, chạm trổ nguy nga lộng lẫy theo phong cách kiến trúc thời Nguyễn, mang tính đặc trưng của đình, đền Nam bộ. 

Phía sau đền thờ là khu lăng mộ của ông bà được xây dựng theo kiểu song táng, có cổng tam quan, có tường rào bao bọc chung quanh. Hai ngôi mộ song song được ốp đá hoa cương, quanh năm luôn có hoa tươi và khói hương nghi ngút. Khách đến viếng đền thờ mà chưa thăm khu lăng mộ là một thiếu sót đáng tiếc.

 Ngoài ra còn có khu Nhà khách khá rộng để đãi tiệc trong nhưng ngày cúng giỗ. Tuy nhiên, do lượng khách về dâng hương rất đông nên Ban tổ chức trưng dụng luôn con đường phía sau đền thờ để đãi cơm khách thập phương. 

Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường là di tích mang nhiều giá trị vật chất lẫn tinh thần đối với người dân Cao Lãnh nói riêng, Đồng Tháp nói chung.

Với giá trị đó, ngày 8/7/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định xếp hạng mộ và đền thờ ông bà Đỗ Công Tường là di tích lịch sử-văn hóa quốc gia.

Hàng  năm Lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường được tổ chức trang nghiêm, không gian mở rộng với nhiều hoạt động ý nghĩa như: chợ Đèn Dầu, phố đi bộ cùng với các hội thi, trưng bày đặc sản, trò chơi dân gian, tái hiện vườn quýt... Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ , thể dục-thể thao được tổ chức phong phú như: không gian văn hóa Góc quê, hội thi làm bánh dân gian, biểu diễn nghệ thuật đường phố, hội diễn lân sư rồng, hội thao các môn thể thao dân tộc, đờn ca tài tử, hò Đồng Tháp…

Lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường là dịp để thể hiện lòng thành kính của người dân đối với bậc tiền nhân đã có công xây dựng vùng đất Cao Lãnh. Đây cũng là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh, du lịch tỉnh Đồng Tháp nói chung và TP Cao Lãnh nói riêng.