Việt Nhân Blogs

Hiểu văn hóa Cà Mau từ đặc trưng vùng sông nước

Cà Mau có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt với mật độ 1,34 km/km2, tổng chiều dài hơn 7.000 km, chiếm 1/3 chiều dài đường thuỷ đồng bằng Sông Cửu Long. Hệ thống sông Cà Mau như Cửa Lớn, Bảy Háp, Ông Đốc, Đồng Cùng, Tam Giang, Bồ Đề, Bạch Ngưu, Trèm Trẹm… tạo thành các cửa sông lớn và hàng trăm hệ thống sông, kênh, rạch nhỏ khác...

Cũng vì thế, dòng sông, con nước có vai trò quan trọng trong đời sống và hình thành nên các giá trị văn hoá đặc sắc của người dân Cà Mau.

Chợ nổi Cà Mau

Du lịch miền Tây mà không đi chợ nổi sẽ là thiếu sót lớn. Hầu hết tỉnh miền Tây đều có chợ nổi mang nét đặc sắc riêng, Cà Mau cũng không ngoại lệ.

Chợ nổi Cà Mau nằm trên trên sông Gành Hào, cách cầu Gành Hào hơn 200 m, thuộc địa bàn phường 8 ở trung tâm thành phố. Tại đây có đến hàng trăm chiếc xuồng, ghe tàu to nhỏ chở đầy hàng hóa đến trao đổi và buôn bán. Trước đây, chợ là điểm tập trung, buôn bán tấp nập hàng hóa của người dân khắp nơi. Càng về sau, chợ phần lớn chỉ mua bán sỉ hàng nông sản tươi, rau trái miệt vườn cho các thương lái.

hieu-van-h-oacute-a-c-agrave-mau-tu-dac-

Chợ nổi là nét đặc trưng của miền Tây nói chung và Cà Mau nói riêng. (Ảnh: Shutterstock )

Ngoài ra, chợ nổi còn bán chiếu rong - sản vật đặc trưng của vùng đất mũi. Chiếu Cà Mau cũng là nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà soạn nhạc với các tác phẩm nổi tiếng như Tình anh bán chiếu, Áo mới Cà Mau…

Ca Mau anh 2
Ca Mau anh 3

Những ghe hàng hóa đầy ắp chợ nổi Cà Mau. (Ảnh: Shutterstock )

Chợ nổi Cà Mau tấp nập nhất vào lúc 2-3h. Với du khách, một chuyến ghé thăm chợ vào lúc 4h, khi trời còn tờ mờ, sẽ mang đến những trải nghiệm khó quên. Việc di chuyển đến chợ không quá khó khăn nếu dùng xe máy, gọi xe ôm hoặc taxi, bởi chợ chỉ cách bến xe thành phố Cà Mau khoảng 4 km.

Nếu không kịp ghé thăm chợ vào sáng sớm, du khách có thể đến vào buổi chiều tối để cảm nhận một không gian rất khác tại đây. Không còn khung cảnh ồn ào, sôi nổi với người buôn kẻ bán, khu chợ trở nên yên bình, chỉ nghe tiếng gió và tiếng nước khe khẽ vỗ vào mạn thuyền. Những chiếc ghe khi sáng còn tấp nập giờ đã trở thành những căn nhà nổi bồng bềnh vương vấn khói cơm chiều. Một vài đứa trẻ ngồi vắt vẻo câu cá trên sông, bức tranh đặc trưng của vùng sông nước Cà Mau cũng từ đó mà hiện lên rõ nét.

hieu-van-h-oacute-a-c-agrave-mau-tu-dac-

Chiều xuống, chợ nổi Cà Mau mang vẻ đẹp yên bình. (Ảnh: Shutterstock )

Cuộc sống người dân vùng sông nước

Từ bao đời nay, cuộc sống của người dân Cà Mau đều gắn liền với con nước. Trong bối cảnh hiện đại, dù hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, văn hóa sông nước vẫn gắn liền với nếp ăn, nếp ở của người dân nơi đây. Dòng sông là nơi tắm mát của những đứa trẻ thơ, là nơi quây quần sinh hoạt ấm áp, là nơi kiếm kế sinh nhai với buôn bán ngày qua ngày…

Người dân Cà Mau chân thành, bình dị. Họ buôn bán trên những chiếc xuồng, ghe tàu to nhỏ và dùng xuồng ba lá để lưu thông theo các con kênh, rạch vào mùa nước lên. Các hình thức lao động trên sông theo đó cũng xuất hiện như đóng đáy, ghe cào, chài lưới, cất vó, đặt lợp, giăng câu, dựng chà, đăng…

Nhiều gia đình dựng nhà đối diện dòng sông để tiện sinh hoạt. Lại có những gia đình sống cuộc đời lênh đênh trên con nước, gói gọn cả thế giới trong chiếc ghe nhỏ. Tuy nhiên, không vì vậy mà họ buồn chán bởi đây là cuộc sống thân thuộc từ bao đời.

Ca Mau anh 5
Ca Mau anh 6

Cuộc sống lênh đênh sông nước là nét văn hóa đặc trưng của nhiều gia đình tại đây.  (Ảnh: Shutterstock )

Cũng bởi sự đặc biệt của con nước, các gia đình tại vùng đất này thường sắm hai loại phương tiện: Xe máy vào mùa khô, ghe thuyền, ca nô vào mùa nước nổi. Mùa nước nổi khiến không chỉ Cà Mau mà cả miền Tây đều trở nên ấn tượng.

Những cánh đồng mênh mông nước không phân biệt đâu là bờ đâu là ruộng; xa xa người dân giăng câu, thả lưới dưới ánh nắng nhạt nhòa, yếu ớt; hình ảnh những chiếc thuyền, ghe nhẹ trôi trên sông Gành Hào hòa cùng nụ tười tươi tắn của người dân hồn hậu… Tất cả vẽ nên một bức tranh bình yên đủ sức níu chân mọi du khách.

Theo Zing

Vietnhan.org