Việt Nhân Blogs

Dự án mở rộng quốc lộ 91 bị tính dư hơn 3.000 tỷ đồng

Ngày đăng: 14-07-2025

Một dự án giao thông quy mô tại Cần Thơ, dù chưa chính thức triển khai, đã bị phát hiện dư ngân sách lên tới hơn 3.000 tỷ đồng. Nguyên nhân được xác định là do ước tính sai chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Thông tin được Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ông Trần Văn Lâu, báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp ngày 13/7, liên quan đến tiến độ các dự án hạ tầng và chương trình phát triển nông nghiệp bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại cuộc hợp ngày 13/7
Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại cuộc hợp ngày 13/7 (Ảnh: An Bình)

Theo báo cáo, kế hoạch nâng cấp 7 km quốc lộ 91 qua khu vực trung tâm thành phố ban đầu có tổng kinh phí hơn 7.200 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn ngân sách khoảng 5.556 tỷ được phân bổ cho công tác bồi thường. Tuy nhiên, sau khi rà soát lại, tổng chi phí thực tế chỉ vào khoảng 2.400 tỷ đồng. Như vậy, phần chênh lệch hơn 3.000 tỷ hiện đang bị “treo”, buộc chính quyền Cần Thơ phải đề xuất xây dựng lại dự án mới, dựa trên các số liệu thực tế chính xác hơn.

Dự án cải tạo tuyến quốc lộ này vốn đã được chấp thuận đầu tư từ 14 năm trước, với kinh phí ban đầu chỉ khoảng 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, do yêu cầu siết chặt đầu tư công vào năm 2011, dự án bị tạm dừng. Đến năm 2022, kế hoạch được tái khởi động và điều chỉnh mức vốn đầu tư, tăng gấp nhiều lần so với ban đầu.

Tuyến quốc lộ 91, kéo dài từ Cần Thơ đến cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (An Giang), giữ vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông liên vùng. Tuyến đường này kết nối trực tiếp với các tỉnh lân cận như Kiên Giang, An Giang và là trục giao thương chính ra biên giới Campuchia. Bên cạnh đó, nó còn kết nối với các trục quốc lộ lớn và cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, đặc biệt qua các khu công nghiệp dọc sông Hậu.

Hình ảnh tuyến quốc lộ 91
Hình ảnh tuyến quốc lộ 91 (Ảnh: An Bình)

>>>Xem thêm:  

>>> Cao Tốc Bắc Nam: Ba Đoạn Tuyến Sẽ Chính Thức Thông Xe Ngày 19/8/2025

>>> Đà Nẵng: Du Khách Gặp Nạn Khi Bay Dù Lượn Tại Bán Đảo Sơn Trà, Một Người Tử Vong
 

Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 21 dự án giao thông quy mô lớn, với 13 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Tổng chiều dài các tuyến này lên tới 354 km. Trong đó, Bộ Xây dựng trực tiếp quản lý 6 dự án, số còn lại do các tỉnh, thành phố làm chủ đầu tư.

Một số dự án trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ bao gồm:

  • Tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đạt gần 69% khối lượng kế hoạch;
  • Tuyến Cao Lãnh – Lộ Tẻ thi công được hơn 76%;
  • Lộ Tẻ – Rạch Sỏi đạt khoảng 55%;
  • Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu (giai đoạn 1) thực hiện được hơn 63%;
  • Một số đoạn thuộc Vành đai 3 TP.HCM đạt từ 40% đến 72%;
  • Dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) triển khai khoảng 37%;
  • Cầu Rạch Miễu 2 đang dần hoàn thiện với gần 96% tiến độ;
  • Cầu Đại Ngãi 2 dự kiến thông xe kỹ thuật vào ngày 19/8 tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo cuộc họp vừa qua
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo cuộc họp vừa qua (Ảnh: An Bình)

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng toàn bộ các dự án hạ tầng trong khu vực cần được đẩy nhanh, không chỉ về tiến độ mà còn bảo đảm chất lượng thi công, an toàn vận hành và hiệu quả kinh tế. Ông cũng đặc biệt lưu ý tầm quan trọng của hệ thống giao thông liên kết vùng giữa Đồng bằng sông Cửu Long với khu vực Đông Nam Bộ, cũng như kết nối ra quốc tế bằng cả bốn phương thức: đường bộ, đường thủy, hàng không và cảng biển.

Đối với công trình Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, một dự án y tế trọng điểm trong vùng. Thủ tướng yêu cầu các bên liên quan đảm bảo hoàn thành trong năm 2026 như đã cam kết.


Việt Nhân Blog - Trang cung cấp thông tin du lịch, tin tức mới nhất


Bạn đang cần thiết kế web cho doanh nghiệp của bạn? Liên hệ tư vấn thiết kế website miễn phí Việt Nhân