Chùa Vĩnh Tràng
Chùa Vĩnh Tràng, hay còn gọi là Vĩnh Trường, là một ngôi chùa thờ Phật nổi tiếng ở Tây Nam Bộ. Chùa được xây dựng vào đầu thế kỷ 19 theo phong cách kiến trúc pha trộn Á- Âu tinh xảo, đồng thời vẫn mang đậm nét điêu khắc truyền thống Việt Nam. Chùa gồm 4 gian nối tiếp nhau là tiền đường, chánh điện, nhà tổ và nhà hậu, với tổng diện tích 14.000 m².
Khuôn viên chùa Vĩnh Tràng. Ảnh: giacngo.com
Cho đến nay chùa vẫn còn lưu giữ được khoảng 60 pho tượng quý, được làm từ gỗ, đồng hoặc đất nung, đều được thếp vàng óng ánh, trong đó nổi bật nhất là bộ tượng 18 vị La Hán nằm hai bên tường chánh điện được tạc bằng gỗ mít vào đầu thế kỷ 20.
Trong chùa còn có 3 pho tượng đồng lớn: Di đà, cao 98 cm; Quan Âm và Thế Chí cao 93 cm và một chiếc chuông đồng lớn được gọi là Pháp Bảo Chuông cao 1,2 m, nặng khoảng 150 kg trên thân có khắc chữ "Vĩnh Trường Tự" được đúc vào khoảng giữa thế kỷ 19.
Nổi bật giữa hoa viên chùa là pho tượng phật Di Đà cao 24m (bệ 6m, tượng 18m) với ngụ ý Phật đang đứng trông nom chúng sinh các cõi và được xem là biểu tượng của ngôi chùa hiện nay.
Tượng phật A Di Đà trong hoa viên chùa Vĩnh Tràng. Ảnh: giacngo.com
Trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chùa Vĩnh Tràng còn là nơi ẩn cư, nuôi dưỡng các chiến sĩ cách mạng. Trải qua chiều dài lịch sử, qua hai cuộc chiến tranh tàn phá, nhưng những nét cổ kính của ngôi chùa vẫn còn được gìn giữ gần như nguyên vẹn.
Nơi đây vừa là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách với những kiến trúc, phong cảnh đẹp, trang nghiêm; đồng thời chùa Vĩnh Tràng còn là một địa chỉ văn hóa, lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Tiền Giang qua bao thế hệ. Chính những nét độc đáo đó, nên ngôi cổ tự này ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan, nghiên cứu và thắp hương chiêm bái.